Chủ nhật, 24/11/2024, 01:27[GMT+7]

Gương mặt nông thôn mới ở bản Năng Cát

Thứ 2, 17/08/2020 | 09:47:18
1,431 lượt xem
Không khó để nhận ra bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đã thay đổi chỉ sau vài năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đường làng, ngõ bản đã được bê tông hóa kiên cố; môi trường trong bản luôn được người dân ý thức giữ gìn phong quang, sạch đẹp. Nhờ vào phát triển các mô hình kinh tế mới, hiệu quả, đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên. Rõ ràng, Năng Cát đã và đang khoác lên mình chiếc “áo mới”, chiếc áo mang gam màu của ấm no, sung túc sau khi làn gió xây dựng NTM thổi qua đây. Hoàn thành 14/14 tiêu chí và được công nhận bản NTM vào tháng 9/2019, bản cũng là điểm sáng trong xây dựng NTM ở vùng cao Thanh Hóa.

Lường trước được những khó khăn, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, bản đã thành lập Ban phát triển NTM, triển khai thực hiện phong trào cụ thể đến từng người, từng hộ dân. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân trong bản đã đóng góp 1.240 công lao động, hiến khoảng 600m2 đất và nhiều tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, công trình nhà văn hóa.

Đời sống từng bước được cải thiện, 100% đường giao thông trong bản được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36,1 triệu đồng/năm…

Ông Hà Văn Cảnh, Trưởng bản Năng Cát cho biết: Hiện bản đang triển khai xây dựng bản NTM kiểu mẫu với quyết tâm giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là với những tiêu chí có khả năng biến động như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, giáo dục. Đồng thời, bản còn xây dựng kế hoạch, quy chế bàn giao các công trình cơ sở hạ tầng được hưởng lợi từ các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp cho các tổ quản lý của bản sử dụng, bảo dưỡng. Phát huy tiềm năng lợi thế có nhiều nhà sàn truyền thống, bản định hướng phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ du khách nghỉ mát tại thác Ma Hao. Cùng với đó, người dân cũng chuyển đổi cách phát triển kinh tế theo hướng phục vụ du lịch, trồng rau an toàn, các loại cây ăn quả…

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM, Thanh Hóa hiện có 20/122 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn của địa phương đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm 17 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thanh Hóa cho biết, để tạo chuyển biến trong xây dựng NTM ở những vùng đặc biệt khó khăn, từ năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, thực hiện thí điểm mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi. Năm 2014, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí và thực hiện trên diện rộng toàn tỉnh, nhờ đó đã đem lại kết quả tốt. Chương trình XDNTM cấp thôn, bản đã giúp người dân khu vực miền núi đặc biệt khó khăn phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác trong công việc, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Theo daidoanket.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày