Chủ nhật, 10/11/2024, 05:57[GMT+7]

Hiệu quả mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn

Thứ 3, 18/08/2020 | 15:44:44
2,970 lượt xem
Những mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn do Hội Nông dân tỉnh thành lập hiện nay đã đi vào hoạt động hiệu quả, từng bước tạo dựng được thương hiệu và sản phẩm rau sạch đến với người tiêu dùng.

Nhiều hội viên nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới.

Ông Lê Xuân Đăng, thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) là một trong những hộ gia đình được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí sản xuất rau an toàn. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, ông đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, máy bơm nước, chế phẩm vi sinh để tạo nguồn phân bón sạch nhằm tăng năng suất, chất lượng rau xanh. Ông Đăng chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, năng suất rau tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước kia, thu nhập nhờ đó cũng tăng lên đáng kể. Rau sản xuất đến đâu thương lái thu mua hết đến đó.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, xã Trung An cũng là một trong những hộ tham gia sản xuất rau an toàn. Bà cho biết: Trồng rau an toàn phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt như nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường; quy trình trồng rau an toàn cũng khá khắt khe, chỉ được dùng phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù mất nhiều công, chi phí đầu tư cao hơn, nhưng bù lại sản phẩm đưa ra thị trường được mọi người tin tưởng, đón nhận.

Không chỉ ở xã Trung An, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình). Ông Mai Văn Điều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Phúc cho biết: Chúng tôi đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Thanh Miếu và thôn Cự Phú với 19 gia đình tham gia, nâng tổng diện tích trồng rau an toàn của xã lên 30.000m2. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi tiến hành phân chia vùng canh tác, đa dạng hóa các mặt hàng rau để khách hàng có nhiều lựa chọn; ngoài rau xanh, chúng tôi còn sản xuất một số mặt hàng giá trị như dưa lê, dưa chuột…góp phần tăng thu nhập của các thành viên. Sau khi trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi hộ gia đình tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thu về từ 17 - 20 triệu đồng/sào/năm.

Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thái Bình chia sẻ: Xác định việc duy trì chất lượng và hiệu quả các mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn là nhiệm vụ quan trọng, mang lại lợi ích lâu dài cho hội viên, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng những tiêu chí riêng để đánh giá hiệu quả của các tổ hợp tác. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hội viên tuân thủ đúng các quy định sản xuất, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế với các tổ chức nông dân khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã tổ chức 15 khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt hội nông dân các huyện, thành phố về lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho tổ hợp tác; nâng cao năng lực quản lý và điều hành tổ, nhóm; quy trình sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau màu, một số loại rau mới. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn tổ chức cho cán bộ các tổ hợp tác tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở các tỉnh khác, giúp cho cán bộ, hội viên nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm từ đó áp dụng vào hoạt động của các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tốt hơn.

Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Các sở, ngành và một số doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh để tổ chức các lớp dạy nghề, khóa tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân trên nhiều lĩnh vực như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm, các kiến thức về hội nhập quốc tế… với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Chúng tôi đã xây dựng các mô hình điểm hội viên làm nhà lưới để trồng rau an toàn tại xã Trung An và xã Vũ Phúc. Nhìn chung các mô hình khi được đầu tư bài bản về trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và được hướng dẫn kỹ thuật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước kia. Hiện nay, các tổ hợp tác đã thu hút 54 thành viên tham gia với tổng diện tích gần 65.000m2 trồng rau an toàn.  

Thời gian tới, để sản phẩm rau an toàn của hội viên nông dân được tiêu thụ rộng rãi, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm xây dựng thương hiệu rau an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch.

Tiến Đạt