Chủ nhật, 10/11/2024, 05:37[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất làm giàu từ cây lúa

Thứ 2, 24/08/2020 | 10:25:26
3,006 lượt xem
Vẫn là những mảnh ruộng bao đời gắn bó với người nông dân, nhưng nhờ có những “cú hích” từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự đột phá trong tư duy, mạnh dạn áp dụng những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, gắn chặt với nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh đang trở thành những triệu phú, tỷ phú ngay trên chính thửa ruộng của mình. Mô hình tích tụ ruộng đất của gia đình chị Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (Kiến Xương) là một điển hình.

Nông dân trong tỉnh thăm quan giàn gieo mạ khay tự động của vợ chồng chị Trần Thị Lanh.

Là người chăm chỉ, cần củ, ham học hỏi, chị Lanh được người dân trong thôn yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm làm trưởng thôn nhiều năm qua. Trước tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác ngày càng nhiều, chị cùng chồng là anh Đặng Văn Quang bàn nhau thuê, mượn ruộng của bà con để gieo cấy. Từ 10 mẫu ruộng năm 2015, đến nay, diện tích ruộng chị canh tác đã lên tới trên 100 mẫu. Chị Lanh chia sẻ: sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết, tôi luôn quý trọng đồng đất của quê hương, thấu hiểu được sự vất vả của người nông dân. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao. Mỗi hộ chỉ cấy 2 - 3 sào, các thửa ruộng lại bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, lao động trẻ khỏe thì đi làm ở các công ty, xí nghiệp, ở quê chỉ còn người già, trẻ em, cây lúa không được quan tâm chăm sóc, năng suất thấp, thu nhập từ lúa chẳng đáng là bao, vì thế nhiều hộ đã bỏ ruộng.

Mặc dù gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ nhưng việc bỗng dưng sở hữu hàng chục mẫu ruộng trong tay thì lại là chuyện lớn. Phải làm gì với một cánh đồng mênh mông, cỏ mọc cao quá đầu người là câu hỏi làm vợ chồng chị Lanh trăn trở nhiều đêm. Cả cánh đồng rộng lớn, không thể dùng sức người để sản xuất. Vậy là anh chị bắt đầu đi tham quan học hỏi ở các nơi, đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm máy móc thiết bị như: máy làm đất, máy cấy, máy gặt… Chị Lanh cho biết thêm: Ban đầu, vợ chồng tôi mua 1 máy làm đất, 1 máy gặt đập liên hợp nhưng khi trực tiếp tham quan, đánh giá sản xuất ở nhiều mô hình tích tụ ruộng đất trong và ngoài tỉnh, thấy được hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, vợ chồng tôi quyết định đầu tư thêm những máy móc phục vụ các khâu sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã trang bị 2 máy làm đất, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cấy, 1 giàn gieo mạ khay tự động, 2 giàn máy sấy thóc, 1 máy đóng thóc, 1 máy bón phân. Không chỉ phục vụ diện tích ruộng của gia đình, mỗi vụ, tôi còn cung cấp mạ khay, cấy máy cho gần khoảng 80ha trong và ngoài huyện.

300 triệu đồng/vụ, 600 triệu đồng/năm là lợi nhuận thu được từ những mảnh ruộng người dân bỏ hoang và các dịch vụ sản xuất của gia đình chị Lanh. Sự chịu khó, nhanh nhạy trong năm bắt cơ hội đã giúp anh chị tạo được uy tín trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Anh chị đã gắn kết được các chủ máy nông nghiệp, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản để phục vụ bà con nông dân trong và ngoài huyện cũng như tiêu thụ sản phẩm mình làm ra một cách ổn định và bền vững. “Làm lúa vẫn có thể giàu được. Vấn đề chủ yếu là mình phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn, áp dụng đồng bộ các khâu sản xuất, từ việc chọn giống lúa năng suất, chất lượng cao để canh tác, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phòng trừ dịch bệnh theo chương trình IPM… Từ đó giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất, tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng và thu lãi cao.” Đó là khẳng định chắc nịch của vợ chồng người nông dân dám nghĩ dám làm.

Ngân Huyền