Thứ 5, 14/11/2024, 23:34[GMT+7]

COVID-19 sáng 1-9: Công thức thảm họa mà WHO cảnh báo là gì?

Thứ 3, 01/09/2020 | 08:17:12
2,660 lượt xem
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc mở cửa trở lại mà không kiểm soát virus có thể dẫn tới thảm họa vì thực tế dịch vẫn lây lan dễ dàng. Tại Hong Kong, một chương trình xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng bắt đầu ngày 1-9.

COVID-19 sáng 1-9: Công thức thảm họa mà WHO cảnh báo là gì? - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Toàn cầu: 25,6 triệu ca nhiễm và 17,9 triệu ca hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers sáng 1-9, trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng hơn 25,6 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó có hơn 854.000 ca tử vong và 17,9 triệu ca đã hồi phục.

Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, với lần lượt hơn 6,2 triệu, 3,9 triệu và 3,6 triệu ca. Ba nước này cũng đứng đầu thế giới về số ca hồi phục, với Mỹ có 3,4 triệu, Brazil có 3 triệu và Ấn Độ có 2,8 triệu ca hồi phục.

COVID-19 sáng 1-9: Công thức thảm họa mà WHO cảnh báo là gì? - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên phân phát thức ăn cho những người dân gặp khó khăn sau khi các biện pháp hạn chế kéo dài cả tuần được áp dụng để kiềm chế dịch COVID-19 ở Kathmandu, Nepal ngày 31-8 - Ảnh: AFP

Việt Nam hiện nằm ngoài nhóm 150 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất thế giới.

WHO: Mở cửa + không kiểm soát có thể = thảm họa 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31-8 nói rằng các quốc gia còn chứng kiến sự lây lan đáng kể của COVID-19 phải ngăn tổ chức các sự kiện dễ gây lây lan dịch vì việc mở cửa mà không kiểm soát virus sẽ là một "công thức dẫn tới thảm họa".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận nhiều người đang trở nên mệt mỏi vì các biện pháp hạn chế và muốn quay lại trạng thái bình thường sau khi các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận cách đây khoảng 8 tháng.

Ông Tedros nói rằng WHO hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực mở lại nền kinh tế và xã hội. Ông nói thêm: "Chúng tôi muốn thấy cảnh trẻ em quay lại trường học và mọi người quay lại nơi làm việc, nhưng chúng tôi muốn điều đó được thực hiện một cách an toàn".

"Không quốc gia nào có thể giả vờ rằng đại dịch đã kết thúc. Thực tế là con virus này lây lan dễ dàng. Việc mở cửa mà không kiểm soát là một công thức dẫn tới thảm họa" - ông Tedros nói.

Hong Kong bắt đầu xét nghiệm diện rộng

Hãng tin AFP cho biết Hong Kong sẽ bắt đầu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng trong hôm nay (1-9). Kể từ lúc đơn đăng ký mở cuối tuần trước, đã có 510.000 người - chiếm khoảng 7% trong số 7,5 triệu dân Hong Kong - đăng ký tham gia.

Các xét nghiệm tình nguyện này nằm một phần trong nỗ lực dập tắt làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đã xuất hiện ở Hong Kong hồi tháng 6, buộc thành phố có cư dân đông đúc này phải áp dụng các biện pháp gây ảnh hưởng nặng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự tham gia của các công ty xét nghiệm và bác sĩ đến từ Trung Quốc đại lục vào kế hoạch xét nghiệm trên đã khiến một số người dân Hong Kong lo sợ, chẳng hạn về việc Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu sinh trắc học để giám sát họ.

COVID-19 sáng 1-9: Công thức thảm họa mà WHO cảnh báo là gì? - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Liên Hiệp Quốc: COVID-19 làm tăng thêm bất bình đẳng giới

Ngày 31-8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, đồng thời đảo ngược "nhiều thập niên đạt được tiến bộ hạn chế và mong manh về bình đẳng giới cùng quyền phụ nữ".

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cảnh báo các phụ nữ trẻ đến từ những tổ chức xã hội dân sự (CSO) tại một cuộc gặp trực tuyến rằng "nếu không có một phản ứng nhận được sự quan tâm, chúng ta có nguy cơ mất đi cả một thế hệ gồm nhiều thành tựu".

Ông Antonio Guterres cho biết trong suốt đại dịch, "các phụ nữ đã xuất hiện trên tuyến đầu phản ứng như nhân viên y tế, giáo viên, các nhân viên thiết yếu cùng những người chăm sóc trong các gia đình và cộng đồng của họ".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói rằng phần lớn nhân viên y tế là phụ nữ, nhưng chưa tới 1/3 giữ vai trò ra quyết định. Ông cũng lưu ý các báo cáo ở một số nơi cho thấy sự gia tăng trong số lượng những người mang thai ở tuổi thanh thiếu niên và tình trạng bạo lực liên quan giới tính.

Quan chức Nga nói phương Tây đang noi gương về phê duyệt vắc xin

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ngày 31-8 nói rằng bình luận của người đứng đầu Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ và động thái của Anh cho thấy phương Tây đã thừa nhận rằng nước Nga đúng đắn khi phê duyệt vắc xin sớm vào đầu tháng 8, theo Hãng tin Reuters.

Đầu tháng 8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin ngừa COVID-19 có tên Sputnik V sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người, khiến một số chuyên gia phương Tây lo ngại về sự an toàn và hiệu quả của vắc xin này.

Tuy nhiên, lãnh đạo FDA sau đó cho biết ông sẵn sàng bỏ qua quy trình phê duyệt thông thường để cấp phép vắc xin ngừa COVID-19, miễn là các quan chức tin rằng lợi ích nhiều hơn rủi ro.

Chính phủ Anh tuần trước cũng vạch ra kế hoạch cho phép cơ quan quản lý y tế nước này cấp phép tạm thời cho bất kỳ loại vắc xin ngừa COVID-18 nào trước khi nhận được giấy phép đầy đủ nếu vắc xin này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Ông Kirill Dmitriev nói rằng Mỹ và Anh giờ đây "chính xác là đang noi gương Nga". Ông nói thêm: "Phương Tây bị sốc trước thành công của Nga trong việc sản xuất một vắc xin tiềm năng và phải trải qua 4 giai đoạn để chấp nhận một điều dĩ nhiên: bác bỏ, giận dữ, buồn rầu và cuối cùng là chấp nhận".

Nga đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin Sputnik V để kiểm tra mức độ hiệu quả với một nhóm tình nguyện viên có quy mô lớn hơn. Nước này cũng chuẩn bị phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết việc tiêm chủng trên diện rộng cho nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 cao sẽ bắt đầu vào tháng 11-12.

Theo tuoitre.vn