Thứ 4, 20/11/2024, 03:36[GMT+7]

Trụ vững qua “cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 01/09/2020 | 08:50:53
2,757 lượt xem
“Cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi càn quét năm 2019 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh điêu đứng do thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tuy nhiên, nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, không ít người chăn nuôi lợn đã vượt qua được đại dịch này, thậm chí trở thành “đại gia” nuôi lợn.

Trang trại của ông Phạm Bá Vang ở xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) luôn hạn chế người ra vào để tránh lây lan mầm bệnh.

Hết năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh được khống chế, UBND tỉnh đã ký quyết định công bố hết dịch bệnh và ra văn bản chỉ đạo các địa phương tích cực tái đàn lợn khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương vẫn để trống chuồng, chưa dám tái đàn vì lo bệnh dịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Cũng bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong khi nhiều người chỉ dám tái đàn dè dặt nuôi một vài con lợn thì cuối năm 2019, ông Đoàn Văn Nhân ở thôn Đông Thành, xã Bình Minh (Kiến Xương) lại đầu tư sửa chữa, xây dựng một dãy chuồng trại quy mô rộng gần 400m2 được trang bị hệ thống máy móc hiện đại có thể phục vụ nuôi hàng trăm con lợn thịt theo hướng an toàn sinh học. Giải thích về sự “liều” của mình, ông Nhân cho biết: Nhà tôi có hai khu chuồng chăn nuôi riêng biệt. Một khu được xây dựng khép kín, trang bị hệ thống máy móc đồng bộ bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học dùng để nuôi lợn nái. Khu còn lại nuôi lợn thịt theo phương pháp truyền thống. Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, khu nuôi lợn thịt gồm 150 con lớn nhỏ bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng, còn khu nuôi lợn nái không bị ảnh hưởng. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học nên tôi đã quyết định cải tạo, xây mới lại toàn bộ khu chuồng nuôi lợn thịt theo quy trình khép kín. Từ đàn lợn nái, chỉ vài tháng sau trang trại đã có nguồn lợn giống để chăn nuôi. Từ đầu năm 2020 đến nay, đàn lợn thịt luôn duy trì từ 40 - 70 con, đã xuất chuồng 2 lứa với giá lợn hơi từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăn nuôi và thiệt hại do dịch bệnh, gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Với thâm niên nuôi lợn gần 20 năm nay, ông Phạm Bá Vang ở xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) là chủ của trang trại nuôi lợn rộng hơn 5ha. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn điêu đứng vì dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh thì ông vẫn luôn duy trì đàn lợn nái và lợn thịt với số lượng hơn 4.000 con. Để có được thành quả này, ông Vang đã sớm thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trang trại được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP và là cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong quá trình chăn nuôi, trang trại thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ khâu vệ sinh chuồng trại, sát trùng tiêu độc, lựa chọn thức ăn, thời gian cách ly kháng sinh bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, công tác quản lý, cách ly người ra vào trang trại là ưu tiên số một được thực hiện chặt chẽ. Ông đầu tư xây dựng buồng khử khuẩn bằng khí ôzôn nhằm sát trùng người và dụng cụ chăn nuôi. Mỗi dãy chuồng nuôi có riêng một công nhân phụ trách, người khác không được ra vào. Nếu bắt buộc phải đưa người lạ vào trang trại và khu vực chuồng nuôi thì phải ở trong buồng khử khuẩn đủ thời gian 5 phút để tránh mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Mỗi khi thương lái đến thu mua lợn phải đỗ xe ở khu vực cách xa trang trại 1km, trang trại có xe chuyển lợn ra tận nơi. Ông Vang cho biết: Nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh. Hiện tại trang trại có hơn 4.000 con lợn, trong đó 650 lợn nái, sinh sản khoảng 15.000 con giống mỗi năm, còn lại là lợn thịt.

Có thể thấy, việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là biện pháp kiên quyết nhằm bảo đảm an toàn cho vật nuôi trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.


Thanh Huyền