Thứ 7, 16/11/2024, 11:33[GMT+7]

Lan tỏa phong trào phụ nữ bảo vệ môi trường

Thứ 6, 04/09/2020 | 08:12:58
2,188 lượt xem
Bảo vệ môi trường (BVMT) từ những việc làm nhỏ nhất, đó là phương châm được các cấp hội phụ nữ thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Đã có nhiều mô hình về BVMT được phụ nữ các địa phương thực hiện và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phụ nữ xã Tiến Đức (Hưng Hà) thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọt, thôn Miếu, xã Thụy Chính (Thái Thụy) không ít. Trước đây, toàn bộ rác thải, kể cả rác thải hữu cơ đều được bà Ngọt gom chung lại với nhau chuyển ra nơi để rác tập trung. Thế nhưng từ năm 2016 trở lại đây, lúc nào gia đình bà cũng có 2 xô để đựng từng loại rác riêng biệt: rác vô cơ, rác hữu cơ. Bà Ngọt cho biết: Tôi thường xuyên nhắc tất cả các thành viên trong gia đình, túi nilon sau khi sử dụng thì để vào xô đựng túi nilon, còn những rác hữu cơ thì bỏ riêng để xử lý tại nhà. Không chỉ gia đình bà Ngọt, 4 năm qua, việc phân loại rác thải tại hộ gia đình cũng đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của các gia đình hội viên phụ nữ ở xã Thụy Chính. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thụy Chính cho biết: Mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình được chúng tôi triển khai điểm tại thôn Miếu. Mỗi thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ 2 xô đựng rác có nắp đậy: 1 đựng rác vô cơ, 1 đựng rác hữu cơ và 1 nắp bằng kim loại để đậy hố chôn rác thải hữu cơ, đồng thời mỗi gia đình được khuyến khích tự mua thêm 1 thùng đựng rác có nắp đậy để chứa rác thải vô cơ. Sau khi được hướng dẫn, các gia đình sẽ phân loại rác thải: rác hữu cơ cuối ngày sẽ được chuyển từ xô đựng rác ra hố chôn ngoài vườn. Các gia đình sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rác, bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi hố rác đầy sẽ trồng cây. Rác vô cơ được phân loại và thu gom đúng quy định. Từ mô hình điểm của thôn Miếu, đến nay mô hình đã được triển khai ra toàn xã với 380 gia đình cán bộ, hội viên tham gia.

Được phát động từ năm 2009, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do hội LHPN các cấp thực hiện đã đạt được những kết quả rõ nét. Ban đầu khi thực hiện cuộc vận động, nhất là ở khu vực nông thôn, chị em chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường. Nhưng với cách làm hiệu quả, lồng ghép tuyên truyền về BVMT thông qua các hoạt động sinh hoạt của thôn, khu phố, các buổi nói chuyện chuyên đề, nhiều chị em đã có nhận thức đúng đắn về mô hình này, có ý thức, trách nhiệm hơn trong tham gia BVMT. Vì thế, tổ chức hội đã phát huy được vai trò của phụ nữ trong thực hiện các tiêu chí cuộc vận động và một trong những tiêu chí đó là sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ... Tùy từng địa phương, tình hình thực tế, các cấp hội đã xây dựng các mô hình phù hợp: phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, làn xanh thân thiện, đoạn đường tự quản, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, đường hoa, bồn hoa phụ nữ và gần đây nhất là mô hình phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần đang ngày càng được nhân rộng. Không dừng lại ở những hành động giữ gìn vệ sinh, BVMT trong mỗi gia đình, sự thay đổi trong suy nghĩ của hội viên phụ nữ đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Mỗi chị em trở thành một tuyên truyền viên, đóng góp cho địa phương nhiều ý tưởng hay, sáng tạo để cả cộng đồng cùng chung tay BVMT.

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với những ý tưởng và sự nỗ lực của các cấp hội, hội viên, phụ nữ, hiện nay toàn tỉnh có 562 mô hình về BVMT. Các cấp hội đã tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về BVMT cho hàng nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ, duy trì 1.655 tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhiệm với 9.460 thành viên tham gia. Đặc biệt, chị em đã tham gia trồng, chăm sóc gần 1.000km đường hoa với nhiều loại hoa khác nhau tạo nên những con đường hoa sắc màu rực rỡ, góp phần làm đẹp cảnh quan của thôn làng, tổ dân phố, đồng thời cũng nâng cao ý thức BVMT của người dân.

Có thể khẳng định, thông qua những mô hình hay, thiết thực, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động trong BVMT của các hội viên cũng như của cộng đồng xã hội. Đây là phương thức dân vận sáng tạo, phát huy hiệu quả tích cực để làm đẹp làng, sạch phố, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Xuân Phương