Thứ 5, 14/11/2024, 23:29[GMT+7]

Sức mua giảm do dịch Covid-19

Thứ 6, 04/09/2020 | 08:23:47
1,850 lượt xem
8 tháng đầu năm 2020, hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố Thái Bình chịu tác động lớn của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 khiến sức mua giảm.

Người dân hạn chế đi lại, vui chơi giải trí, mua sắm. Lượng khách đến các trung tâm thương mại, địa điểm ăn uống giảm đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước đạt 26.522 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải giảm từ 4 - 9% so với cùng kỳ. Tại các siêu thị, trung tâm điện máy như Vincom, Mediamart, Điện máy xanh, HC... không còn cảnh tấp nập mua sắm. Để thu hút khách hàng, các cửa hàng, siêu thị tung ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại, tuy nhiên sức mua vẫn giảm.


Ông Vũ Mạnh Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Hưng Thịnh Phát cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi đã có nhiều chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng, giảm giá nhưng doanh số vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019. 8 tháng năm 2020, doanh thu của Công ty giảm 30%, lợi nhuận giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.


Còn theo bà Trần Thị Kim Anh (cửa hàng tự chọn Kim Anh), từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, lượng hàng hóa bán ra giảm 30 - 40% so với những tháng trước. Các mặt hàng tiêu thụ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày còn bánh kẹo và các loại thực phẩm cao cấp nhu cầu tiêu thụ không nhiều. Chị Trần Thị Hồng, tổ 8, phường Kỳ Bá cho biết: Vợ chồng tôi đều làm công nhân, thu nhập năm 2019 ổn định, trung bình 7 triệu đồng/người/tháng nhưng năm nay dịch Covid-19 bùng phát nên công việc của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn do công ty không ký được đơn hàng. Chồng tôi tuy không tăng ca nhưng công việc vẫn ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng, còn tôi công ty tổ chức làm việc luân phiên, thu nhập chỉ còn 3,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập giảm nên tôi chỉ mua sắm những đồ dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày.


Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố Thái Bình bắt đầu phục hồi. Vì vậy, việc kích cầu thị trường nội địa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố chú trọng từ nay đến cuối năm. Theo đó, thành phố tiếp tục triển khai nhiều chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa. Đẩy mạnh chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thực hiện tốt chương trình bình ổn giá cả thị trường, giúp người dân tiếp cận các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.


Minh Nguyệt