Thứ 5, 14/11/2024, 11:28[GMT+7]

Bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà ở

Thứ 2, 07/09/2020 | 08:52:07
2,711 lượt xem
Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, theo đó nghề xây dựng tự do phát triển mạnh. Tuy nhiên, cùng với giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cho người lao động, điều đáng lo ngại là vấn đề bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) chưa được những người làm nghề xây dựng tự do quan tâm.

Công trình xây dựng nhà ở tại phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình), mặc dù ở độ cao hơn 10 mét nhưng người lao động không trang bị bảo hộ lao động, dây an toàn để phòng tránh tai nạn lao động.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn lao động ở nhóm lao động tự do (lao động phi chính thức) làm chết 4 người. Trong đó, đã có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng dân sinh. Mới nhất, vào ngày 20/8/2020, trên địa bàn xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng đã xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng dân sinh khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu do không đảm bảo các yếu tố về ATLĐ. Thực tế này cho thấy, việc thực hiện các quy định về ATLĐ tại những công trình xây dựng dân sinh (chủ yếu là nhà ở) còn nhiều điều đáng lo ngại.


Khảo sát tại một số công trình xây dựng trên địa bàn phường Trần Lãm, Trần Hưng Đạo, Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) và một số xã tại huyện Vũ Thư, Kiến Xương…, công tác bảo hộ lao động đang được cả chủ sử dụng lao động lẫn người lao động chưa quan tâm. Ngôi nhà 3,5 tầng đang được thi công tại tổ 15, phường Trần Lãm mà chúng tôi khảo sát mới đây, chủ nhà đang huy động tốp thợ khoảng 6 người để khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tốp thợ không sử dụng bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào. Quan sát thợ thi công ở tầng 3 với độ cao hơn 10m, người thợ đứng chênh vênh trên giáo tre không có lưới chắn. Anh Vũ Văn Long, một thợ xây cho biết: Tôi làm nghề xây dựng cũng đã hơn 10 năm, chủ yếu là xây nhà ở cho người dân. Những ngày đầu mới đi làm tôi cũng rất sợ, nhưng làm mãi cũng thành quen. Hầu hết chúng tôi thành nghề chủ yếu là học nhau chứ ít người được đào tạo qua trường lớp nên việc xảy ra tai nạn lao động cũng khó tránh khỏi, chỉ là tai nạn nặng hay nhẹ. Chúng tôi chỉ biết tự nhắc mình cẩn thận trong công việc. Còn anh Nguyễn Văn Toàn, một thợ xây khác cũng đang làm việc tại công trình này chia sẻ: Thường thì trước khi làm việc, các chủ thầu chỉ nhắc nhở chúng tôi tự chuẩn bị bảo hộ lao động như áo, mũ, găng tay chứ không trang bị cho chúng tôi các phương tiện bảo hộ theo tiêu chuẩn. Chúng tôi làm lâu ngày cũng thành quen nên không để ý.


Theo quy định, đối với những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị giàn giáo với đầy đủ các thiết bị như thang, dây đeo an toàn, lưới bảo hộ... Công nhân làm việc trên cao phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về ATLĐ và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ... Thế nhưng, xem ra không mấy công trình bảo đảm đầy đủ các yếu tố an toàn trên. Trong khi đó, đối với một số công trình, nhất là khi xây dựng nhà ở trong khu vực dân cư phần lớn người lao động vốn là lao động nông nghiệp chuyển sang lao động lĩnh vực công nghiệp xây dựng nên không được đào tạo, làm việc chủ yếu qua tự học hỏi... Vì vậy, chất lượng lao động không bảo đảm là một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng.


Những năm qua, để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nhất là ATLĐ ở khu vực lao động tự do, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các khóa tập huấn kiến thức về ATLĐ cho đội ngũ lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố; chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách ATLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Tuy vậy, người lao động tự do mà ở đây là những lao động thực hiện xây dựng công trình dân sinh số lượng tham gia rất ít. Những tháng cuối năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Để nâng cao nhận thức về công tác ATLĐ cho người lao động, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền, đặc biệt là công tác quản lý từ cấp cơ sở; cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát ATLĐ đối với các công trình xây dựng nhà ở tại địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn các chủ công trình nắm được các quy định về thực hiện ATLĐ để trực tiếp giám sát chủ thầu. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các trường hợp không chấp hành các quy định ATLĐ.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày