Thứ 7, 23/11/2024, 18:27[GMT+7]

Xung đột vũ trang Armenia - Azerbaijan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại

Thứ 3, 29/09/2020 | 07:26:31
2,599 lượt xem
Xung đột vũ trang ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan chỉ từ hôm 27/9 đến nay, nhưng đang khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại.

Vị trí vùng Nagorno-Karabakh. Đồ họa: SETA.

Các cuộc tấn công dữ dội giữa Armenia và Azerbaijan đã diễn ra hai ngày và chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Armenia ngày 27/9 ban bố tình trạng thiết quân luật và tổng động viên, trong khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 28/9 đã ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị quân đội, nhằm đối phó tình hình chiến sự.

Quân đội hai bên tiếp tục triển khai thêm nhiều vũ khí hạng nặng tới nơi đụng độ. Giao tranh ác liệt bùng phát giữa Armenia - Azerbaijan liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ ngày 27/9, kéo dài xuyên đêm.

Armenia cáo buộc Azerbaijan thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Azerbaijan khẳng định họ chỉ hành động để đáp trả các cuộc pháo kích từ phía Armenia. Cả hai phía đều hứng chịu nhiều thiệt hại về người và khí tài. Bên nào cũng đều tuyên bố giành chiến thắng cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.

Còn đoạn video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố về các cuộc tấn công quân sự nhằm vào các phương tiện chiến đấu của Armenia và một kho đạn ở Nagorno-Karabakh. Chưa có thống kê chính xác về thương vong, nhưng ngoài lực lượng quân đội thì dân thường, trong đó có cả trẻ em, cũng là nạn nhân trong cuộc giao tranh giữa hai bên.

Xung đột vũ trang Armenia - Azerbaijan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại - Ảnh 1.

Vị trí vùng Nagorno-Karabakh. Đồ họa: SETA.

Armenia, Azerbaijan là hai nước Cộng hòa từng thuộc Liên bang Xô Viết. Vụ đụng độ hôm 27/9 được cho là ác liệt nhất giữa hai bên kể từ năm 2016. Nhưng thực tế là căng thẳng đã âm ỉ nhiều thập kỷ qua, nút thắt chưa thể tháo gỡ liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh. Căng thẳng tăng nhiệt giữa hai nước có thể đe dọa sự ổn định của khu vực Nam Kavkaz - một hành lang quan trọng của các đường ống dẫn dầu và khí đốt ra thị trường thế giới.

Vùng Nagorno-Karabakh là nguồn cơn xung đột hàng chục năm qua giữa hai nước

Nagorno-Karabakh nằm sâu trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống, nên muốn tách ra để sáp nhập vào Armenia.

Tranh chấp chủ quyền âm ỉ nhiều năm và lên tới đỉnh điểm khi Azerbaijan và Armenia xung đột vũ trang vào tháng 2/1988, thời điểm cả hai nước vẫn thuộc Liên Xô và kéo dài tới tháng 5/1994.

Cuộc chiến chỉ kết thúc khi lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga cùng ký hiệp định ngừng bắn tại Moscow năm 1994. Tuy nhiên, mâu thuẫn vẫn cứ âm ỉ mãi.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia cũng đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao. Azerbaijan từng đề nghị Armenia rút binh sĩ khỏi 7 khu vực xung quanh Karabakh, đổi lại Azerbaijan sẽ chia sẻ nguồn lợi kinh tế, bao gồm cả lợi nhuận từ đường ống dẫn dầu từ Baku, trung chuyển qua Armenia để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Armenia không chấp thuận đề nghị đó. Đàm phán lâm vào bế tắc.

Xung đột vũ trang Armenia - Azerbaijan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại - Ảnh 2.

Xe tăng Azerbaijan bốc cháy sau khi trúng mìn ở khu vực tranh chấp ngày 27/9. Ảnh: BQP Armenia.

Hiệp định ngừng bắn không chấm dứt được các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn nổ ra giữa binh sĩ hai nước. Tháng 4/2016, quân đội hai bên đấu súng trong nhiều ngày, khiến hơn 200 binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Căng thẳng chỉ được giải tỏa với sự hòa giải của Nga.

Đến tháng 7 năm nay, đụng độ lại bùng phát. Hai bên nã pháo vào lãnh thổ của nhau. Vụ đụng độ hôm 27/9 dường như đã leo thang lên một cấp độ căng thẳng mới, khi hai nước huy động cả xe tăng, pháo binh và không quân tham chiến.

Cuộc xung đột này có nguy cơ kéo cả các nước lớn trong khu vực, như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow có quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan và Armenia, song chỉ duy trì liên minh quốc phòng với Armenia, trong khi Ankara là đồng minh thân thiết với Azerbaijan.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg, lãnh đạo các nước EU và Mỹ đều đồng loạt kêu gọi hai nước ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch.

Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị Azerbaijan và Armenia sử dụng các kênh liên lạc trực tiếp hiện nay để tránh leo thang căng thẳng.

Ngay trong ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn đối đầu leo thang hơn nữa.

Theo vtv.vn