Thứ 3, 19/11/2024, 23:28[GMT+7]

Lan tỏa các điển hình học tập suốt đời

Thứ 6, 02/10/2020 | 09:03:19
1,790 lượt xem
Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Sau 5 năm thực hiện, đến nay Thái Bình đã đạt và vượt mục tiêu của Đề án trước 1 năm và là một trong những tỉnh hoàn thành xuất sắc Đề án 281 giai đoạn 2015 - 2020. Tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình học tập hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khóa do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền phối hợp với Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) tổ chức.

Ngay sau khi Quyết định số 281 được ban hành, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội về mục tiêu, ý nghĩa của phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Đặc biệt, năm 2014, Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh đã phát động và chọn 173 gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị để triển khai thí điểm các mô hình học tập. 

Ông Đặng Văn Cao, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Khi được chọn thí điểm, các đơn vị đã triển khai bài bản, nghiêm túc đến đông đảo cán bộ, công nhân viên chức lao động, các tầng lớp nhân dân về quyết định và bộ tiêu chí, tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), cộng đồng học tập (CĐHT) và đơn vị học tập (ĐVHT). Từ thành công của việc triển khai thí điểm, đến năm 2015 việc thực hiện các mô hình học tập được triển khai đại trà và nhận được sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 445.675 GĐHT, 4.075 DHHT, 1.750 CĐHT và 1.069 ĐVHT.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền là một trong những ĐVHT tiêu biểu. Trung tá Lê Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn cho biết: Cùng với đẩy mạnh việc tự học, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, những năm qua đơn vị còn góp phần đào tạo, bồi dưỡng người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lao động nông thôn, tạo điều kiện về môi trường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao dân trí. Đặc biệt, thực hiện chương trình nâng bước em đến trường và mô hình con nuôi đồn biên phòng, đơn vị đã nhận giúp đỡ 5 cháu có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng. Mỗi dịp đầu năm học mới, các cháu được các chiến sĩ biên phòng mua sách vở, đồ dùng học tập và quần áo mới để các cháu được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Để làm được điều đó, từ năm 2015 đến năm 2020, đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học với tổng số tiền 17 triệu đồng. Cùng với số tiền này, hàng năm đơn vị kêu gọi sự ủng hộ từ một số cá nhân để chung tay giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. 

Theo Trung tá Lê Xuân Hòa, thời gian tới Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung các tiêu chí xây dựng ĐVHT, XHHT; đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống của Đảng, quân đội, của bộ đội biên phòng đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư) là một CĐHT điển hình không chỉ của huyện mà còn của tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, cứ mỗi dịp đầu năm học mới hoặc tết Nguyên đán, Chi hội Khuyến học thôn đều tổ chức khen thưởng các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó và khen thưởng những người lớn tuổi tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời. Tính riêng năm 2020, toàn thôn có 56 lượt người lớn tuổi được khen thưởng. 

Ông Nguyễn Minh Lệ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Minh Khai chia sẻ: Người dân thôn Thọ Lộc rất trọng việc học và tích cực hưởng ứng phong trào khuyến học, khuyến tài. Năm 2015, công tác khuyến học, khuyến tài chuyển sang giai đoạn mới là xây dựng XHHT, ai cũng phấn đấu học tập suốt đời. Qua khảo sát, phần lớn các gia đình trong thôn đều có thiết bị kết nối internet, tạo điều kiện cho người lớn và trẻ em mở mang kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, ông bà, bố mẹ làm gương cho con cháu, thường xuyên đọc sách báo, nghe đài, áp dụng nhiều bài học hay, kinh nghiệm hiệu quả trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái. Nhờ thế, phong trào học tập suốt đời của thôn Thọ Lộc ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Ông Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, những con số, mô hình học tập tiêu biểu trên là minh chứng sinh động cho phong trào học tập trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi nổi, hiệu quả. Việc triển khai các mô hình học tập đã tác động tích cực đến phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Việc thực hiện các tiêu chí của các mô hình học tập khiến người dân quan tâm hơn đến việc học tập của mọi thành viên trong gia đình, qua đó thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT ngày càng phát triển.

Đặng Anh