Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tháng 9 vừa qua, đất nước có nhiều sự kiện kỷ niệm và đối ngoại quan trọng, đặc biệt là chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 nhờ thay đổi phương thức, cách làm; đến nay đã 30 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là sự cố gắng lớn của các lực lượng quân đội, công an, y tế, các địa phương, nhất là các thành phố lớn. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức sôi nổi Đại hội Thi đua yêu nước.
Chúng ta vui mừng về kết quả của ngành giáo dục về các kỳ thi vừa qua, trong đó, nhiều em đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế. Chúng ta đã đi 3/4 quãng đường năm 2020, tình hình phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tốt hơn, tháng 9 có sự tăng trưởng tốt, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng.... có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quý IV và cả năm 2020.
Từ số liệu thống kê, chúng ta có cơ sở khẳng định năm nay tăng trưởng dương, đứng đầu các nước ASEAN trong bối cảnh các nước chung quanh tăng trưởng âm. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức phù hợp, đạt mức cao. Chúng ta duy trì được tăng trưởng trong khi các đối tác, chuỗi cung ứng suy thoái nặng nề. Trong khi đó, CPI giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại mạnh mẽ.
Khối kinh tế trong nước tăng trưởng xuất khẩu hơn 20%. Ngành nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu hơn 41 tỷ USD với nhiều sản phẩm mới, khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Ba khu vực kinh tế nhà nước, FDI, tư nhân, trở thành động lực quan trọng trong phát triển, tạo việc làm.
Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định nông nghiệp vai trò bệ đỡ trong khó khăn. Sản xuất công nghiệp chín tháng có sự khởi sắc, mở ra sự kỳ vọng phục hồi mạnh trong quý IV. Nhiều doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế tốt hơn trong quý IV. Chúng ta cũng bảo đảm công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, lao động việc làm phục hồi. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thủ tướng thông tin vui, đó là mặc dù chịu ảnh hưởng lớn dịch bệnh, nhưng Việt Nam có Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei đánh giá đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, tăng mạnh so tháng trước (45,7 điểm), thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét nền kinh tế Việt Nam cao nhất trong ASEAN. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bên cạnh đó là đề phòng cảnh giác tối đa trước dịch bệnh Covid-19. Tháng 9 này, chúng ta cũng thực hiện tốt mục tiêu kép.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khó khăn như du lịch, hàng không, vận tải, dịch vụ còn khó khăn. Tăng trưởng còn thấp so tiềm năng, kỳ vọng. Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, vấn đề là tìm giải pháp nào để đạt mức tăng trưởng cao năm 2021.
Do đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh khống chế dịch Covid-19, tiếp tục chuyển đổi số, chuyển đổi mạnh mẽ lĩnh vực thương mại, phong cách làm việc. Chúng ta cần tăng cường tự lực tự cường trong phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, thời gian tới, năm tới phải tự lực tự cường trong phát triển.
* Trước phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hoa và chúc mừng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh đảm nhiệm trọng trách mới, làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, có quá trình công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Ngọc Anh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Trong nhiệm kỳ này, trên cương vị Bộ trưởng KHCN, đồng chí Chu Ngọc Anh đã có đóng góp, nhất là về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (chỉ số đổi mới sáng tạo của nước tăng nhiều bậc trong năm vừa qua), chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Bộ thường xuyên, có kiểm tra, đôn đốc, đạt kết quả tốt.
Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thảo luận, thống nhất cử đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng KHCN đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và tin tưởng rằng, với kinh nghiệm công tác, đồng chí sẽ hết sức mình đê xây dựng Thủ đô của chúng ta xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Là đô thị lớn, Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra thì cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là giây phút đặc biệt đối với mình. Trong suốt chặng đường vừa qua, đồng chí đã cùng với ngành KHCN nỗ lực bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, “khoa học không vào được cuộc sống nếu không có sự đồng hành của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành”.
Trên cương vị mới, đồng chí bày tỏ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, nhận thức được niềm tin mà Đảng, Nhà nước gửi gắm để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội, đưa Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP chín tháng năm 2020 tăng 2,12% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của chín tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III chỉ đạt 2,34% so cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,69%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của chín tháng các năm 2011-2020.
Tuy nhiên, do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 1,2% so tháng trước và tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung chín tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%); trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 giảm 12,6% so cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; bên cạnh đó, tháng 9 năm nay trùng với tháng bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng, tăng 45% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung chín tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV-2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu chín tháng đều tăng so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 51,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung chín tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó, xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD (tăng 4,2%), nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD (giảm 0,8%). Khu vực kinh tế trong nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu chín tháng tăng cao 20,2%, nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại chín tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “những điểm sáng, mặt được chủ yếu”, đầu tiên là dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Chúng ta đã thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao hơn. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, Thủ tướng nhấn mạnh. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phát huy vai trò bệ đỡ cho an ninh lương thực quốc gia.
Những nỗ lực và kết quả đó tạo thêm niềm tin cho nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công Đại hội Đảng của nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Bên cạnh công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết.
Tuy vậy, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính. Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. Thủ tướng nhắc lại quan điểm mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát.
Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chín tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so mức tăng năm 2019, cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.
Với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020.
Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong ba tháng cuối năm. Cho biết, vừa ký Quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Bộ Công thương phải chủ trì kế hoạch triển khai Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh đầu tư để góp phần tăng trưởng.Tiếp tục mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa…
Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
- Đề xuất xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành 23.11.2024 | 17:03 PM
- Dừng hoạt động dịch vụ chèo thuyền kayak ở đảo Cát Bà 23.11.2024 | 17:04 PM
- Nhân lên tình cảm hữu nghị, hiện thực hóa khát vọng phát triển hùng cường 23.11.2024 | 17:04 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO 23.11.2024 | 17:04 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng