Chủ nhật, 24/11/2024, 00:17[GMT+7]

Israel - Bahrain thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức

Thứ 2, 19/10/2020 | 09:01:12
1,798 lượt xem
Ngày 18/10, Ngoại trưởng Israel và Bahrain đã ký 8 thỏa thuận song phương, trong đó có Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao, hòa bình và hữu nghị.

Lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước diễn ra vào chiều 18/10 tại Manama, thủ đô Bahrain. Phái đoàn quan chức Chính phủ Israel đã tới Bahrain chuẩn bị cho sự kiện này.

Việc ký kết các văn bản đồng nghĩa Israel và Bahrain đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Các thỏa thuận này mở đường cho việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Israel và Bahrain, trong đó có thương mại, nông nghiệp và công nghệ. Phía Israel cũng đã trao cho Bahrain văn kiện chính thức đề nghị mở Đại sứ quán tại Bahrain. Hai bên cam kết không có hành động thù địch với nhau và chống lại hành động thù địch từ bên thứ ba.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi hai nước đạt được thỏa thuận về việc bình thường hóa quan hệ hồi tháng 9/2020. Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel - Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Nhà Trắng.

Israel - Bahrain thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed al-Nahyan. (Ảnh: AP)

Với những thỏa thuận này, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994. Thỏa thuận trên nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Việc thúc đẩy các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel là một phần trong "Kế hoạch hòa bình Trung Đông", hay còn gọi là "thỏa thuận thế kỷ" do Mỹ khởi xướng, trong đó có nhắc đến giải pháp hai nhà nước và một kế hoạch phát triển kinh tế cho Palestine. Tuy nhiên, có nhiều điểm gây tranh cãi như coi thành phố linh thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel, đòi Palestine công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư trên các phần lãnh thổ chiếm đóng và cắt đứt quyền trở về quê hương của người tị nạn Palestine...

Văn kiện này đã vấp phải sự phản đối của Palestine cũng như nhiều nước khu vực, cho rằng kế hoạch của Mỹ đã "đổ thêm dầu vào ngọn lửa" căng thẳng trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Mới nhất, Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã từ chối đề nghị đàm phán của Mỹ liên quan tới "thỏa thuận thế kỷ" gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày