Thứ 2, 18/11/2024, 15:36[GMT+7]

Cách bảo quản và sử dụng thớt thật bền và diệt khuẩn

Thứ 7, 24/10/2020 | 09:28:51
6,704 lượt xem
Trong các dụng cụ nấu ăn của người nội trợ thì luôn có một chiếc thớt dùng để cắt, chặt, thái rất nhiều nguyên liệu, đồ ăn. Thớt đã trở thành đồ vật không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình, nhà nào hầu như cũng phải có ít nhất 2 chiếc thớt trở lên. Tuy nhiên, sử dụng nhiều như vậy nhưng cách lựa chọn, sử dụng và vệ sinh sao cho hiệu quả không phải ai cũng biết.

1. Thớt gỗ

Thớt gỗ là loại thớt được sử dụng rộng rãi trong mọi nhà bếp, ưu điểm của nó là có độ đàn hồi, nặng, giúp chặt - băm thức ăn một cách dễ dàng. Nhưng nhược điểm là dễ cong, nứt, thấm nước, ám mùi nguyên liệu, với điều kiện thời tiết miền Bắc còn dễ ẩm, mốc. Vậy cần phải bảo quản thớt gỗ như thế nào?

Khi mua thớt gỗ nên lựa chọn loại có sớ dọc. Thớt gỗ có sớ ngang tức là được cắt thành từng lóng, khi sử dụng để cắt thực phẩm thì nước hay thực phẩm sẽ thẩm thấu vào bên trong chiếc thớt. Chỉ chà rửa bình thường ở bề mặt cũng không làm sạch được tấm thớt vì chất bẩn đã thấm vào sâu bên trong rồi. Nếu tiếp tục sử dụng chiếc thớt này thì lâu ngày sẽ bị bong mùn gỗ, lẫn vào thức ăn gây ra những căn bệnh về hệ tiêu hóa, viêm đường ruột...

Ngay khi mua thớt về, bạn ngâm thớt trong nước muối mặn theo tỷ lệ 200g muối/1 lít nước. Thời gian ngâm khoảng 1 ngày 1 đêm, rồi sau đó mang phơi khô. Việc ngâm nước muối vừa làm sạch bề mặt gỗ vừa làm cho thớt có đủ độ ẩm, thớt sẽ không thấm nước nhiều hay dễ rạn nứt khi sử dụng. Sau khi ngâm nước xong bạn phơi thớt cho khô hoàn toàn. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.

Khử trùng thớt trong quá trình sử dụng, vài tuần bạn nên khử trùng thớt 1 lần để thớt gỗ luôn sạch sẽ. Đầu tiên, rắc ít muối lên bề mặt thớt sau đó dùng 1/2 quả chanh chà lên thớt, như vậy thớt sẽ sạch và chống vi khuẩn. Sau khi rửa sạch thì lau khô thớt bằng khăn mềm. 

Hàng ngày dùng thớt nhưng bạn đã biết cách bảo quản và sử dụng cho thật bền và diệt khuẩn chưa? - Ảnh 2.

Để thớt không bị mùn hay có mùi khó chịu, không nên sử dụng các loại nước tẩy rửa bằng hóa chất, thay vào đó bạn có thể sử dụng chanh, muối, giấm trắng và nước sôi để khử nấm mốc rồi phơi thớt nơi khô ráo thoáng mát. 

2. Thớt nhựa

Thớt nhựa được nhiều người ưa dùng vì không thấm nước, không mục, không mùn... Tuy nhiên, loại thớt này không chịu được lực tác động mạnh. Nên khi bạn chặt xương hay các nguyên liệu cứng thì thớt nhanh nứt vỡ, dao nhanh hỏng. 

Hàng ngày dùng thớt nhưng bạn đã biết cách bảo quản và sử dụng cho thật bền và diệt khuẩn chưa? - Ảnh 3.

Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần lưu ý:

- Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.

- Khi thớt bị ố, ngả màu, nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.

3. Thớt thủy tinh

Thớt thủy tinh làm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị oxy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Tuy nhiên, bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì thế chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.

Sau khi sử dụng, cần treo thớt nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, bạn nên thay thớt mới. Khi chọn mua, nên chọn mua sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và niêm yết kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nơi sản xuất.

Hàng ngày dùng thớt nhưng bạn đã biết cách bảo quản và sử dụng cho thật bền và diệt khuẩn chưa? - Ảnh 4.

Vệ sinh thớt sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng rất quan trọng, vì thớt có ảnh hưởng rất lớn tới an toàn trong bữa ăn. Một chiếc thớt bẩn nếu không được vệ sinh kỹ sau khi sử dụng sẽ mang theo vi khuẩn có hại vào món ăn của gia đình bạn. 

Khi vệ sinh thớt, bạn không nên sử dụng quá nhiều hóa chất tẩy rửa. Thay vào đó, bạn nên sử dụng những chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, muối hạt, giấm trắng, nước sôi để chà lên mặt thớt, giúp việc làm sạch nhanh và an toàn hơn. 

Cần có các loại thớt riêng để dùng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín, không sử dụng lẫn lộn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo afamily.vn