Thứ 5, 14/11/2024, 10:57[GMT+7]

Những cách đơn giản và rẻ tiền giúp "hô biến" nước lũ thành nước sạch phục vụ sinh hoạt mùa mưa bão

Thứ 3, 27/10/2020 | 10:16:10
2,073 lượt xem
Lũ lụt làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Trong tình huống thảm họa, ví dụ trong đợt lũ lịch sử đang xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung hiện nay thì vẫn cần đảm bảo duy trì tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Xin hướng dẫn vài cách rẻ tiền và dễ làm như sau.

Nước sạch là nhu cầu cấp thiết của người dân vùng lũ

Chuẩn bị gì trước mùa bão lụt?

Cần chuẩn bị đủ hóa chất làm trong và khử trùng nước để dùng trong thời gian bị ngập lụt. Mỗi gia đình chuẩn bị khoảng 200g phèn chua, 1 vỉ 10 viên Aquatabs hoặc 5 viên Cloramin B 250mg để làm sạch và khử khuẩn nước.

Ngoài ra nếu gia đình nào có giếng nước thì chuẩn bị thêm khoảng 50g Cloramin B bột 25% hoặc 40g Clorua vôi để khử trùng giếng nước.

Các phương tiện đi lại trên nước như: thuyền, ghe, thuyền thúng… cần được sửa chữa, gia cố để dùng khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho người dùng. Các hộ gia đình đang sử dụng giếng khơi cũng cần dùng nắp đậy hoặc tấm ni lông để bịt miệng giếng. Các giếng khoan cũng cần bịt miệng lỗ khoan trước khi người đi sơ tán lên chỗ cao tránh ngập lụt. Cho nước sạch vào các bể chứa đặt ở các vị trí trên cao thật đầy để dự trữ nước sạch sau khi trở về từ nơi sơ tán hoặc để dùng trong khi ngập lụt...

Trước đó, chú ý kiểm tra nhà cửa, gia cố, chằng chống những nơi yếu, có nguy cơ bị bão lũ làm hư hỏng. Chủ động dự trữ lương thực, nước uống, chất đốt, đèn pin, sạc dự phòng, phao cứu sinh, đồng thời chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng như: thuốc chống tiêu chảy, cảm sốt, dầu cao, thuốc đau mắt, chuẩn bị bông, băng, thuốc sát trùng, thuốc ngoài da

Làm gì để có nước sạch ăn uống, vệ sinh trong lũ lụt?

Trong lũ lụt, thiếu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt là một vấn đề sức khoẻ môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. Việc cứu trợ nước đóng chai, nước bình cũng hạn chế do việc di chuyển bằng thuyền, cano… trong lũ lụt thường khó khăn. Trong trường hợp người dân không dự trữ được nước sạch hoặc nước mưa để dùng, thì phải xử lý thật tốt nước ngập lụt để dùng tạm cho ăn uống và sinh hoạt.

Việc xử lý nước lũ thành nước sạch tương đối đơn giản như sau: Dùng 1 gam (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn tán nhỏ, hoà vào 1 bát nước rồi đổ dần vào thùng/xô nhựa đựng 20 lít nước lũ, khuấy đều để làm trong nước. Đợi khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy thùng và gạn lấy nước trong ở phía trên. Sau đó dùng 1 viên Aquatabs cho vào 20 lít nước trong vừa đánh phèn xong và chờ 30 phút để cho viên Aquatabs này tan ra hết để khử khuẩn. Nếu không có viên Aquataps thì dùng 1 viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn cho 25 lít nước.

Chỉ đơn giản vậy là người dân đang bị cô lập trong lũ lụt đã có 1 thùng 20-25 lít nước tương đối sạch đã khử khuẩn để dùng tạm cho ăn uống (cần đun sôi), rửa rau, rửa bát đĩa, rửa mặt, vệ sinh cá nhân...

Làm cách nào để đảm bảo nguồn nước sạch sau lụt?

Các hộ gia đình chưa có nước máy cần vệ sinh khử khuẩn nguồn nước tại hộ gia đình. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bước này như sau:

Múc cạn và vét hết bùn dưới giếng, dùng nước giếng dội lên thành giếng nhiều lần cho trôi hết chất bẩn, đất cát, lá cây… bám trên thành giếng và sàn giếng. Sử dụng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước để làm trong nước giếng ngập lụt. Nếu nước rất đục thì dùng tối đa 100g/1m3 nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều xuống giếng nước. Dùng gàu kéo lên xuống khoảng 10 lần. Chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng. 

Sau khi đánh phèn làm trong, tuỳ vào thể tích giếng nước bao nhiêu m3 mà dùng lượng Cloramin phù hợp, liều lượng như sau: 10g Cloramin B 25%/m3, hoặc Clorua vôi 20% (13g/m3), hoặc Clorua vôi 70% (4g/m3). Mỗi thìa canh tương đương khoảng 10g, còn 1 thìa cà phê nhỏ tương đương khoảng 1g Cloramin. Hòa tan lượng hoá chất nói trên vào 1 gàu nước và tưới đều lên giếng. Thả gàu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng, để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

 Ngoài đảm bảo nước sạch, người dân và cứu hộ trong vùng lũ cần lưu ý những vấn đề sức khoẻ môi trường nào?

Trong và sau lũ là điều kiện để bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh đường ruột, các bệnh ngoài da, các bệnh về mắt và các bệnh phụ khoa… do đó cần chú trọng đảm bảo duy trì các hành vi vệ sinh. Các hộ gia đình cần chuẩn bị xà phòng để tắm giặt, rửa tay, cũng như xử lý rác thải, phân và xác gia súc, gia cầm chết… Khi nước bắt đầu rút thì tiến hành thu gom rác thải, xác động vật và tiến hành vệ sinh môi trường để dự phòng dịch bệnh lây lan.

Việt Nam chúng ta là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, dao động thời tiết, thiên tai thảm hoạ và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 1999-2018. Bão, lũ, lụt dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ trong thời gian tới. Cần chủ động để tránh, né lũ, giảm thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo toquoc.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày