Thứ 4, 20/11/2024, 03:48[GMT+7]

Nơi ươm mầm, chắp cánh những tài năng nghệ thuật

Thứ 2, 09/11/2020 | 10:10:49
1,222 lượt xem

Thầy và trò Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình tham gia chương trình dạy hát chèo trên truyền hình.

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình là cái nôi ươm mầm, chắp cánh cho những tài năng nghệ thuật của Thái Bình và các tỉnh khu vực phía Bắc. Từ đây, nhiều học sinh, sinh viên đã thành danh, trong đó phải kể đến NSƯT Nguyễn Thùy Linh, một tài năng đang tỏa sáng ở chiếu chèo quân đội; nghệ sĩ Quốc Phòng, người được mệnh danh là “vàng mười của làng chèo”; hay như “tuyệt đỉnh song ca” Bùi Thị Thúy, nữ ca sĩ chinh phục công chúng yêu nhạc trong và ngoài nước với chất giọng ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca trữ tình...

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, nhà giáo Lương Tuấn Oanh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước, trong đó có phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, ngày 5/7/1975, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 54/TC-NV về việc thành lập Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin Thái Bình. Khi ấy, trong điều kiện khó khăn nên dù đã có tên trường nhưng chưa có địa điểm, phải nhờ các xã trong tỉnh để mở lớp dạy diễn viên, nhạc công chèo, nhạc cụ dân tộc... Chưa có chương trình dạy học, chưa có sách giáo khoa, các thầy cô giáo cũng chưa quen với công tác giảng dạy, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng luôn tâm huyết và tận tình dạy dỗ, truyền nghề cho các thế hệ học sinh. 3 năm sau khi có quyết định thành lập, Trường được giao địa điểm để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Cũng từ đây, Trường được Bộ Văn hóa Thông tin giao cho liên kết với Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin Trung ương đào tạo trung học chủ nhiệm nhà văn hóa cấp huyện, trung học thư viện, trung học văn hóa quần chúng... cho các tỉnh phía Bắc. Lớp quản lý nhà văn hóa cấp huyện đầu tiên của Trường khai giảng tại xã Đông La (Đông Hưng) vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin khi ấy về dự và giảng bài cho lớp học.

Qua 13 năm xây dựng và trưởng thành, ngày 14/12/1988, Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin chính thức trở thành Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, tới ngày 21/12/2005 trở thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình. Cùng với việc đào tạo bậc trung cấp, bồi dưỡng ngắn hạn, Trường có 7 mã ngành đào tạo cao đẳng, gồm: Sư phạm nhạc - họa, Mỹ thuật chuyên ngành, Chèo, Thanh nhạc, Quản lý văn hóa và Thư viện. Với mục tiêu góp phần cung cấp nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có chất lượng cho tỉnh và khu vực, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình có đội ngũ giảng viên 100% tốt nghiệp đại học, trên 60% là thạc sĩ, đang học cao học và nghiên cứu sinh; trên 70% giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, là NSƯT, NSND, những người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, có tâm huyết với nghề nghiệp tham gia giảng dạy.

Chất lượng đào tạo của Trường không ngừng được nâng lên. Trường có tỷ lệ học sinh hàng năm đạt 67% khá giỏi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 96%. Qua 10 kỳ tham gia liên hoan ca múa nhạc và kịch hát truyền thống các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc (2 năm một lần) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình đều thể hiện các tiết mục chèo, nghệ thuật dân tộc và đạt giải cao. Đặc biệt, các tiết mục về nghệ thuật chèo hầu hết các năm tham gia liên hoan đều đạt giải vàng cá nhân, giải vàng tập thể, như các trích đoạn “Thị Màu lên chùa”, “Vu quy”, “Tuần Ty - Đào Huế”... Đánh giá về chất lượng đào tạo nghệ thuật chèo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Giáo sư Nguyễn Trung Kiên khẳng định: Việc đào tạo chèo của Trường Văn hoá Nghệ thuật Thái Bình đã có bề dày, có cốt cách, có chiều sâu, chất lượng cao, hiệu quả tốt. Nhiều học sinh hát hay, múa dẻo, diễn tốt thể hiện được chất chèo truyền thống.

Tiến sĩ Bùi Thị Dung, Quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy của nhà trường liên tục được đổi mới. Nếu trước đây giảng dạy nghệ thuật chủ yếu là truyền nghề thì hiện nay nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại đã được giáo viên vận dụng, qua đó vừa bảo đảm quy trình sư phạm vừa phù hợp với đặc thù nghệ thuật. Phương châm “Nghệ thuật hóa sư phạm, sư phạm hóa nghệ thuật” đã làm cho quá trình giảng dạy ở các môn nghệ thuật và nghiệp vụ văn hóa trở nên sinh động, hấp dẫn và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập và công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng phát triển, đạt chất lượng cao. Nhà trường biên soạn mới và bổ sung điều chỉnh 30 chương trình đào tạo trung cấp, sơ cấp và 16 chương trình cao đẳng. Xuất bản các giáo trình: Múa hát chèo, Tập những làn điệu chèo cổ tiêu biểu, Múa đồng bằng, Thanh nhạc, Đào tạo cán bộ văn hóa thông tin cơ sở... Nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp ngành về nghệ thuật chèo, văn hóa truyền thống, giáo dục âm nhạc, mỹ thuật... đã được cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu đều đạt chất lượng tốt.

Với những thành tích đó, tập thể và các cá nhân của trường đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương. Nhiều cán bộ, giảng viên của trường cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,...

Trải qua 45 năm, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình đã góp phần đáng kể cung cấp nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cho tỉnh và khu vực. Trong số hàng nghìn sinh viên được ươm mầm và chắp cánh, có những người đã thành đạt, đảm nhiệm các chức vụ quản lý, có người là giảng viên, là nghệ sĩ, ca sĩ đạt giải cao trong các kỳ thi toàn quốc... Với niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, nhà trường nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nghệ thuật chèo, múa rối nước và nhạc cụ dân tộc của Thái Bình và khu vực.

Tú Anh

  • Từ khóa