Thứ 2, 25/11/2024, 09:35[GMT+7]

Kinh nghiệm thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 10/11/2020 | 14:12:07
1,300 lượt xem
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng được các địa phương tập trung chỉ đạo, tăng cường thực hiện. Kinh nghiệm của một số địa phương trong thực hiện tốt tiêu chí môi trường là những bài học cụ thể và thiết thực.

Người dân huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh chăm sóc tuyến đường hoa kiểu mẫu nông thôn mới

Quảng Ninh: Chủ động phát huy vai trò của hệ thống chính trị

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, môi trường là một trong những tiêu chí khó, dễ biến động và phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, tập quán canh tác, sản xuất, chăn nuôi... Tiêu chí này bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Theo đánh giá của Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện tốt tiêu chí này, Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay từ các xã đều phải chủ động phát huy vai trò của hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp để từng bước phấn đấu đạt chuẩn các chỉ tiêu về môi trường. Các chi hội, đoàn thể chủ trì các phong trào, hoạt động thi đua giữ gìn đường ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp; trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh; lắp đặt thùng rác công cộng gắn với nền nếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đúng quy định... Trong chăn nuôi, các hộ gia đình và các chủ trang trại đã lắp đặt, xây dựng hầm biogas hay áp dụng công nghệ xử lý chất thải để sử dụng, góp phần giảm thiểu phần lớn chất thải, rác thải làm suy giảm môi trường. Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục tại cơ sở. Nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bà con còn nhiều thói quen, tập quán lạc hậu (chưa có nhà vệ sinh, chuồng trại gần nhà ở, còn giữ nếp sinh hoạt không gọn gàng, vệ sinh...). Đồng thời, đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước để hình thành nền nếp chung, nghiêm túc cùng thực hiện; phát huy được vai trò giám sát của cộng đồng.

Thanh Hóa: Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân

Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Thanh Hóa luôn phối hợp với các đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp tổ, nhóm trong khu dân cư, phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thôn xóm; làm pano, khẩu hiệu về xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường tại các xã. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Giờ trái đất”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”. “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”...

Ngoài ra, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã hỗ trợ xây dựng các lò đốt rác tại các địa phương, triển khai thực hiện các điểm thu gom chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp; tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh – dịch vụ về thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn. Đồng thời, phát động phong trào giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp tại địa phương. Nhiều phong trào, hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn đã được duy trì và phát huy hiệu quả, như: Phong trào “5 không 3 sạch”, “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”…

Thông qua các phong trào, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 14 dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, với tổng cộng 21 lò đốt. Ngoài ra, tại hầu hết các xã đều đã có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung. Có trên 88% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 97% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 53%; tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 70%. Toàn tỉnh hiện có hơn 80% số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ có tiêu chí số 17 về môi trường mà cảnh quan nông thôn, chất lượng môi trường ngày càng được đổi mới, nâng cao. Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới và cũng là người thụ hưởng những thành quả từ nông thôn mới được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp.

Theo congthuong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày