Chủ nhật, 24/11/2024, 15:19[GMT+7]

Bốn giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

Thứ 4, 11/11/2020 | 09:02:56
1,127 lượt xem
Để bảo đảm chất lượng các nguồn nước cũng như kiểm soát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước và hoạt động xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm an toàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ban ngành khẩn trương rà soát, thực hiện 4 giải pháp trọng tâm.

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, kể từ khi Luật Tài nguyên nước được ban hành (từ năm 2012), nhiều tổ chức và cá nhân khai thác nước cho các mục đích phát điện, cấp nước, sản xuất, xả nước thải đã nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật; đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố cấp giấy phép, giám sát việc chấp hành theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình hiện chưa được cấp giấy phép tài nguyên nước; trong đó các công trình hồ chứa, đập, cống, trạm bơm thủy lợi, nhất là các hồ chứa, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu có phục vụ cấp nước cho sản suất, sinh hoạt.

Thực trạng các công trình hồ chứa, đập, trạm bơm thủy lợi,... chưa được cấp phép trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, không bảo đảm việc kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn, chất lượng nước mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước do không tính, phê duyệt và thu được tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa có giấy phép tài nguyên nước nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước các sông, suối, tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ban ngành khẩn  trương rà soát, thực hiện 4 giải pháp trọng tâm.

Một là, phải lập hành lang bảo vệ và thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa.

Hai là, các địa phương lập, phê duyệt, thông báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân, nhất là các nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nước sạch.

Ba là, các tỉnh, thành phố cần ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh theo quy định của Luật Tài nguyên nước và trên cơ sở Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020.

Bốn là, quản lý, kiểm soát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước và hoạt động xả nước thải vào nguồn nước thông qua hoạt động cấp giấy phép tài nguyên nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, báo cáo việc triển khai, thực hiện các nội dung nêu trên và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1/12/2020 để tổng hợp, gửi Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo baochinhphu.vn