Chủ nhật, 24/11/2024, 15:07[GMT+7]

Người dân cao nguyên đá và nỗi khắc khoải mong nước

Thứ 5, 12/11/2020 | 12:50:35
1,005 lượt xem
Bà Lý Thị Dính (58 tuổi) tự mình gùi chiếc bồn chứa nước inox về nhà từ trụ sở xã Phố Cáo. Quãng đường độ 3 cây số nhưng bà Dính vui lắm, vì từ bây giờ bà không còn phải đi bộ hàng giờ để cõng nước...

Từ sáng sớm, bà con bản Lủng Sính đã có mặt tại trụ sở UBND Phố Cáo để đón nhận những chiếc bồn trữ nước bấy lâu mong ước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Buổi sớm mùa thu trên cao nguyên đá Đồng Văn, sương đêm còn giăng mướt cây cỏ, người dân bản Lủng Sính (xã Phố Cáo) đã tề tựu đông đủ ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Một đoàn từ thiện dưới xuôi sẽ mang tới cho họ những bồn chứa nước inox để làm dịu “cơn khát” ngàn đời trên cao nguyên này.

Ngắm nhìn những chiếc bồn nước xếp kín sân ủy ban, nắng mới đầu ngày chiếu vào mặt inox lấp lóa, người dân ai nấy đều mừng vui. Hôm được ông chủ tịch xã báo tin sẽ được tặng chiếc bồn trữ nước, nhiều người dân đã khóc vì vui sướng và đến tận khi sờ tay vào chiếc bồn nước họ vẫn không dám tin đây là sự thật.

Buổi trao tặng diễn ra chóng vánh và khi cái nắng cao nguyên vừa mới hửng vàng, bà con đã được nhận chiếc bồn nước để hồ hởi chở trên những chiếc xe máy vượt con đường dốc sỏi đá vào bản. 

Bà Lý Thị Dính (58 tuổi) tự mình gùi chiếc bồn inox về nhà. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+) 

Nhưng bà Lý Thị Dính (58 tuổi) và Mùa Thị Dê - hai người phụ nữ sống một mình thì tự mình gùi chiếc bồn chứa nước inox về nhà, mặc dù cán bộ xã và các thanh niên có xe máy trong bản nói sẽ hỗ trợ chở chiếc bồn nhưng sự háo hức khiến họ không muốn đợi mà tự mình mang về nhà ngay.

Chiếc bình inox thoạt nhìn có vẻ cồng kềnh nhưng cũng "chỉ" nặng độ 20-30kg. Đây là trọng lượng rất bình thường đối với bà con dân tộc miền núi khi thường ngày họ vẫn phải gùi hàng chục cân nông sản đi buôn bán trao đổi ở chợ huyện.

Quãng đường 'chỉ' vài cây số có lẽ chẳng thấm tháp gì so với việc hàng ngày phải đi bộ hàng tiếng để cõng nước suối về phục vụ sinh hoạt. 

Ở những xã miền núi Hà Giang, nước sinh hoạt luôn là một điều khá xa xỉ. Mỗi ngày, người dân phải mất 3-4 tiếng leo đồi để cõng nước về nhà, mỗi lần cũng chỉ mang được một can nước 20 lít. Mùa khô kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 hằng năm là thời điểm bà con cõng nước rất vất vả.

Nếu có bồn chứa nước, họ sẽ hứng nước mưa để tích trữ, sử dụng.

Cơn khát muôn đời của cao nguyên đá

Bà Dính không có chồng con. Một mình sống trong căn nhà lụp xụp đơn sơ trên núi. Hàng ngày bà Dính vẫn đi bộ ra suối gánh nước về để sinh hoạt cá nhân và nuôi mấy con gà.

Với vốn tiếng Kinh hạn chế, bà móm mém cười, mắt ánh lên niềm vui: “Từ nay không còn phải ra suối gánh nước nữa, bể này tôi sẽ dùng để chứa nước mưa.”

Không chỉ bà Dính, tất cả 64 hộ gia đình của bản Lủng Sính cũng được dành tặng món quà rất thiết thực này chuẩn bị cho một mùa đông cắt da cắt thịt sắp tới.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Giang cảnh quan hùng vỹ với những vách đá tai mèo, những ngọn núi cao chót vót, hẻm vực Tu Sản sâu hun hút. Phong cảnh cao nguyên đá làm say đắm lòng người, vấn vương bước chân du khách. Thế nhưng, thiên nhiên cũng khiến cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khắc nghiệt.

Cao nguyên đá bao gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc, rộng gần 600km2 nhưng có tới 3/4 diện tích là núi đá, diện tích rừng thưa thớt, mạch nước ngầm hiếm hoi, khả năng trữ nước trên núi đá kém...

Hạn hán quanh năm, hơn 200.000 nhân khẩu nơi đây luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Nước dùng cho sinh hoạt của người dân chủ yếu trông vào mưa.

Bản Lủng Sính là 1 trong những bản nằm cheo leo nhất của địa bàn xã Phố Cáo, toàn bộ 64 hộ dân ở đây đều là hộ nghèo. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+) 

Mùa khô trên cao nguyên đá thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong đó, huyện Đồng Văn, vùng lõi của cao nguyên đá được mệnh danh là “vùng đất khát,” nguồn nước thiếu trầm trọng.

Ông Giàng Mí Say, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phố Cáo cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức cá nhân, đã có nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng bể chứa nước giúp người dân có nơi chứa nước sạch an toàn để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

“Song, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn phải đi bộ từ 4-5km để đèo từng can nước về sử dụng hoặc cả bản Lủng Sính có 64 hộ dùng chung một bể chứa nước,” ông nói.

Đặc biệt, vào mùa khô thì những bể chung này cũng trở nên cạn kiệt, người dân phải trèo đèo cõng nước về nhà, mỗi lần chỉ mang được một can nước 20 lít.

Những can nước này chỉ dùng để ăn uống, còn tắm giặt thì là một điều xa xỉ. Đồng bào dân tộc (chủ yếu là người Mông) ở đây không chỉ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà còn khó khăn trong sinh hoạt nên chiếc bồn trữ nước luôn là mơ ước lớn nhất của họ. 

Hòa chung niềm vui với người dân bản Lủng Sính, chị Cư Thị Pả (18 tuổi) - một trong số ít những đồng bào Mông ở bản Lủng Sính nói sõi tiếng Kinh, mạnh dạn chia sẻ về cuộc sống của mình.

Chị Pả kể, gia đình chị có 5 người, sinh sống bằng việc trồng ngô, kiếm củi. Vợ chồng chị đã có con nhưng cháu được hơn 1 tuổi thì sốt rồi mất, cũng bởi cuộc sống khó khăn và chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

“Chúng em khó khăn lắm, cứ đến mùa khô là lại lo lắng. Mỗi ngày em phải đi ra suối 3 lần để gùi nước về, nhà em gần nguồn nước nhất bản, mỗi lần gùi mất 1 tiếng đi, 1 tiếng về,” chị Pả nói.

Ngày đón bể chứa nước về bản dường như đã trở thành một ngày hội, họ giục giã nhau đi từ sớm lên tập trung ở trụ sở xã. Gặp những người tặng bồn chứa, dẫu khác biệt ngôn ngữ khiến họ chẳng nói được gì, chỉ biết cầm tay, cười và nói cảm ơn bằng tiếng mẹ đẻ.

Rồi những người dân hồ hởi giúp nhau buộc thật chặt bình nước lên xe, nối đuôi nhau vượt qua bao đèo dốc, trở về những căn nhà đơn sơ mái tranh vách đất.

Giờ đây, chiếc bồn chứa nước này đã trở thành tài sản đáng giá nhất trong ngôi nhà của họ... giúp cuộc sống của họ phần nào vơi bớt nhọc nhằn

Ước vọng “giải khát” cho người dân vùng cao

Trong các chuyến đi Về Nguồn thường năm của mình nhân dịp thành lập, báo điện tử VietnamPlus thường kết hợp công tác thiện nguyện với mong muốn góp một phần để giúp đỡ các bà con gặp khó khăn. Ở chuyến đi Hà Giang lần này, cơ duyên đã khiến báo liên hệ được với lãnh đạo xã Phố Cáo, qua đó 'bắt' được cái mà bà con thiếu nhất ở nơi đây: Nước và phương tiện trữ nước.

Những người dân bản Lủng Sính hân hoan nhận những chiếc bình chứa nước. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+) 

Ông Giàng Mí Say cho biết: "Phố Cáo là xã biên giới đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ thường xuống đến âm 3-5 độ C, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, ngô. Toàn xã có 1.293 hộ với 6.285 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo cao chiến 56%, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn...”

Có mặt tại lễ trao tặng bồn chứa nước inox trong chương trình "Chung tay xoa dịu cơn khát cao nguyên," cho người dân bản Lủng Sính của báo Điện tử VietnamPlus ngày 7/11, ông Giàng Mí Say không giấu được niềm vui và sự cảm động trước những tấm lòng tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.

“Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước có hạn nên sự quan tâm của Báo VietnamPlus đã góp phần giảm bớt những khó khăn cho đồng bào vùng cao nói chung và bản Lủng Sính nói riêng,” ông Say trải lòng.

“Đối với người dân vùng cao chúng tôi, những món quà này không chỉ giải quyết khó khăn trong đời sống mà còn ấm áp tình người, động viên tinh thần bà con rất nhiều. Ở Phố Cáo, nhiều bản không có nguồn nước, vì vậy bà con chủ yếu là sử dụng nước mưa để sinh hoạt, nhưng do thiếu thốn các dụng cụ chứa nước sạch an toàn, vệ sinh và trữ được nhiều nên hàng ngày bà con rất vất vả để gùi nước về,” ông nói.

Chia sẻ với báo Điện tử VietnamPlus, ông Giàng Mí Say cho biết thực sự cảm kích trước món quà "quý giá, thiết thực này," đồng thời, người đại diện của xã bày tỏ sự mong mỏi các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm tới hai bản nghèo khác của xã Phố Cáo.

"Không chỉ có 64 hộ dân của bản Lủng Sính, hiện xã còn có 2 bản nữa cũng trong điều kiện sống thực sự khó khăn do thiếu nước. Với họ, vẫn còn đó những nỗi lo khi mùa khô tới, còn đó những nhọc nhằn khi phải gùi nước từ vách núi cheo leo...," ông Say nói.

"Chúng tôi mong muốn có được sự hỗ trợ để 150 hộ dân của hai bản này cũng sẽ có được niềm vui như đồng bào Lủng Sính hôm nay. Được vậy, cuộc sống của đồng bào sẽ bớt khó khăn đi phần nào. Ngoài ra, mùa đông sắp tới, họ cũng cần thêm chăn màn, quần áo ấm, nhất là với các em nhỏ...," vị Chủ tịch xã chia sẻ.

Theo vietnamplus.vn