Chủ nhật, 24/11/2024, 02:48[GMT+7]

“Giữ nhịp” sản xuất vụ đông (Kỳ 3)

Thứ 4, 18/11/2020 | 09:28:28
17,784 lượt xem
Để tránh việc “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất: không làm tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; không làm theo phong trào, làm không biết bán cho ai.

Nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) thu hoạch đậu tương rau xuất khẩu.

Kỳ 3: Thay đổi tư duy (Tiếp theo và hết)

Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020 chỉ rõ chủ trương sản xuất vụ đông là duy trì và mở rộng diện tích cây màu, trọng tâm là cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt và phải có kế hoạch hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ; chú trọng tổ chức sản xuất theo quy trình thâm canh cải tiến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. \

Theo ông Tăng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản - thương mại dịch vụ Thanh Nhàn (Quỳnh Phụ), sản xuất “có địa chỉ” không chỉ giúp doanh nghiệp có được hàng hóa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, người dân cũng không phải canh cánh mối lo về đầu ra sản phẩm cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất khi được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, vật tư. HTX SXKD DVNN xã Vũ An (Kiến Xương) làm cầu nối cho người dân và doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Nông dân Vũ An có kinh nghiệm sản xuất lạc giống nên được đơn vị nghiên cứu giống cây trồng lựa chọn làm nơi nhân các giống lạc. Đơn vị đó không đặt hàng trực tiếp với người dân mà thông qua HTX để tăng độ tin cậy. 

Theo ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An, doanh nghiệp không thể sâu sát bằng HTX trong các khâu kiểm soát và quản lý sản xuất. HTX giúp doanh nghiệp nhận, cấp phát giống, kiểm tra tiến độ gieo trồng và thu mua theo đúng cam kết. Các công đoạn đều được HTX phối hợp nhịp nhàng với người dân và doanh nghiệp nên hạn chế xảy ra mâu thuẫn. Ngược lại, các bên đều nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, vì thế mối liên kết không còn lỏng lẻo như trước. 

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thái Bình là địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông của vùng đồng bằng sông Hồng với năng suất, sản lượng lớn. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, ngành Nông nghiệp luôn khuyến khích các địa phương chủ động liên kết sản xuất. Nhiều nơi đã có cách làm hay giúp giảm áp lực về đầu ra. Mặc dù lượng bao tiêu chưa nhiều so với diện tích thực tế nhưng các mô hình tốt sẽ được nhân rộng để phù hợp với xu thế phát triển chung. 

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê, mượn ruộng; hình thành các cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây nông nghiệp mang tính hàng hóa, chất lượng cao; đồng bộ hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp... Thiết nghĩ, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và các giải pháp đã được các ngành chức năng đề cập, các địa phương cần chủ động vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm xây dựng các vùng chuyên canh, trồng những giống cây có thế mạnh giúp tăng năng suất, chất lượng; có cơ chế hỗ trợ đủ sức “hấp dẫn” để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo chuỗi liên kết khép kín để nông sản có đầu ra ổn định... Và khi giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác được nâng lên, chắc chắn sẽ tạo niềm tin, động lực để người nông dân gắn bó lâu dài với đồng ruộng. 

Đến ngày 16/11, toàn tỉnh đã gieo trồng được 34.000ha cây vụ đông, bằng 92% kế hoạch. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, động viên kịp thời bằng các cơ chế, chính sách phù hợp từ tỉnh đến cơ sở, diện tích nhóm cây ưa lạnh ở vụ đông này tăng so với vụ đông năm 2019. 

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Tuy thời vụ gieo trồng cây ưa lạnh, đặc biệt là khoai tây vẫn còn song lượng khoai tây giống tại các kho lạnh trên địa bàn tỉnh đã hết. Mặt khác, thời vụ gieo cấy lúa xuân năm 2021 còn xa, thời gian cây khoai tây ở trên đồng dài hơn mọi năm. Đây chính là các yếu tố thuận lợi để các địa phương mở rộng diện tích trồng khoai tây cũng như các cây ưa lạnh nói chung.

Lưu Ngần - Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày