Thứ 6, 15/11/2024, 12:59[GMT+7]

Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trong ngành Y tế

Thứ 2, 23/11/2020 | 09:28:54
1,910 lượt xem
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, các bệnh viện trong tỉnh đã đẩy mạnh việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ tuyến trên, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới nhằm giúp người bệnh được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Xạ trị ung thư cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hàng năm, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 2.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú y học cổ truyền (YHCT). Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, ngoài việc đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện còn chú trọng việc tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu như: điều trị tác động cột sống; kết hợp y học hiện đại và YHCT điều trị đái tháo đường; điều trị cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp YHCT; điều trị giảm nhẹ ung thư, bệnh lý nam học; tiêm sơ búi trĩ... từ các bệnh viện trung ương như: Học viện Y học dân tộc Việt Nam, Viện Châm cứu Trung ương, Viện Y học cổ truyền Trung ương... Việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng diện bệnh điều trị tại Bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân được hưởng lợi dịch vụ chất lượng cao ngay từ cơ sở và giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên. Mới đây, Bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật điều trị trẻ tự kỷ bằng phương pháp đông y từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Hiện mỗi ngày Bệnh viện thực hiện điều trị cho 10 - 15 trẻ. Đây là những trẻ bị tăng động, chậm nói, ít tiếp xúc với người ngoài. Phương pháp thực hiện chủ yếu là châm cứu, thủy châm, lấy chỉ để đả thông kinh mạch, huyệt đạo. Kết quả, sau 5 - 7 ngày, trẻ ăn ngon, ngủ tốt, ít tăng động hơn; có trẻ sau 15 ngày điều trị đã có phản xạ nhanh hơn, tiếp xúc với người ngoài tốt hơn. Hiện 1 liệu trình điều trị trẻ tự kỷ bằng đông y khoảng 15 ngày; 1 năm thực hiện từ 3 - 4 liệu trình. Cùng với việc tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên, Bệnh viện cũng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các trường và bệnh viện tuyến huyện. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các trạm y tế xã.

Ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng chủ động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình... Cụ thể, nếu trước đây, nhiều bệnh nhân ung thư phải chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để xạ trị thì đến nay người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả ngay tại tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện xạ trị cho hơn 460 ca với 12 mặt bệnh ung thư như: ung thư phổi, vú, thực quản, trực tràng, vòm, hạ họng thanh quản, sàn miệng, amydan, lưỡi, niêm mạc má, phần mềm và di căn não. Từ khi triển khai mang lại lợi ích cho bệnh nhân, giảm thời gian, chi phí lên tuyến trên điều trị. Nhiều bệnh nhân sau thời gian xạ trị đã đạt hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến tỉnh còn tích cực chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện. Nhờ đó, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được một số kỹ thuật như: phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, tá tràng... Việc tiếp nhận kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, phẫu thuật... có ý nghĩa rất quan trọng giúp  đội ngũ cán bộ y tế làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề, hạn chế biến chứng và giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Bác sĩ Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Tại Thái Bình, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện đầu ngành trên cả nước như: Bệnh viện Việt Đức, Viện bỏng Quốc gia, Viện tim mạch... Việc chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ tuyến dưới đã giải quyết được nhiều vấn đề, đó là cán bộ y tế tuyến dưới được tiếp cận kỹ thuật cao, không phải lên trung ương để học; người bệnh được hưởng dịch vụ cao ngay tại tỉnh, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị; cơ sở khám chữa bệnh được nâng cao uy tín, thương hiệu và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng đã triển khai việc khám chữa bệnh từ xa. Hiện Thái Bình có 21 bệnh viện đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa trong 1.000 cơ sở y tế trên cả nước. Việc khám bệnh từ xa được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày