Chủ nhật, 17/11/2024, 02:35[GMT+7]

“Định danh” nông sản

Thứ 4, 02/12/2020 | 14:45:21
8,402 lượt xem
Để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương đóng vai trò quan trọng. Khi được “định danh” không chỉ giúp nông sản có được chỗ đứng trên thị trường, người nông dân có trách nhiệm và tận tâm sản xuất mà còn hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Vùng sản xuất rau tập trung tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Nghề làm mắm cáy của người dân xã Hồng Tiến (Kiến Xương) tính đến nay đã gần 8 thế hệ trải qua công việc này. Trung bình mỗi năm người dân khai thác trên 100 tấn cáy, trong đó trên 20% sản lượng được sử dụng làm mắm cáy, còn lại bán với các mục đích khác. Tháng 12/2017, sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là bước ngoặt lớn đối với sản phẩm truyền thống của địa phương bởi thị trường tiêu thụ được mở rộng ra cả nước, thậm chí ra nước ngoài; quy mô, tính chất sản xuất chuyên nghiệp hơn. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Trước đây sản phẩm làm ra chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân nên chất lượng sản phẩm không được đồng đều. Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, các thành viên tham gia sản xuất mắm cáy luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu bảo đảm môi trường, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhờ đó, người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Ngoài đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm, HTX đã đầu tư in nhãn mác, hệ thống mã vạch truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm... Sản lượng mắm cáy sản xuất khoảng trên 10.000 lít/năm, hiệu quả kinh tế và thu nhập tăng từ 20 - 30% so với trước.

Những năm gần đây, tỉnh ta thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nhằm tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản. Là địa phương có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp với đa dạng các sản phẩm thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp xây dựng được nhãn hiệu và phát triển ổn định, bền vững trên thị trường. Ngoài mắm cáy Hồng Tiến, Thái Bình mới có 3 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể: tỏi Thái Thụy, gạo thơm Thái Bình, cói Quỳnh Phụ; sản phẩm ngao Thái Bình (tại hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy) được chứng nhận nhãn hiệu.

Vì vậy, trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành Nông nghiệp xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là yếu tố quan trọng. Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đó, các đơn vị chú trọng đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Chương trình xúc tiến thương mại được quan tâm thông qua các hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, hội chợ... Nhằm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; các bước xây dựng thương hiệu; điều kiện bảo hộ, thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý; thủ tục và quy trình đăng ký mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc; các tiêu chí để cấp mã số cho vùng trồng... cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất.

Năm 2016, nhãn hiệu tập thể tỏi Thái Thụy được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận.

Ngoài việc xây dựng thương hiệu, Thái Bình còn xây dựng được vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực: lúa, khoai tây, rau màu... Toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 22.169,58ha đất cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Trong chăn nuôi có sự đổi mới phương thức từ chăn nuôi nông hộ là chủ yếu sang chăn nuôi trong các doanh nghiệp, trang trại, gia trại. Đến nay đã có trên 730 trang trại, trên 7.200 gia trại; trong đó có 20 trang trại là doanh nghiệp; 4 doanh nghiệp liên kết hợp tác với gần 30 chủ trang trại chăn nuôi khác với quy mô liên kết là trên 10.000 lợn nái, trên 60.000 con lợn thịt và hàng trăm nghìn con gia cầm; 8 trang trại được chứng nhận đạt thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Lĩnh vực thủy sản chuyển đổi mạnh mẽ phương thức nuôi từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh. 36,5% diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, quy trình công nghệ hiện đại cho năng suất tăng 3 - 5 lần so với hình thức nuôi thông thường. Nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá lăng, chép, diêu hồng...

Xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản giúp hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập, tác động để quy hoạch lại kinh tế - xã hội nông thôn tại nơi có các sản phẩm nông sản đã được “định danh”. Hiện nay, Thái Bình đang triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP địa phương, đây chính là cơ hội, động lực để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày