“Giữ lửa” văn hóa đọc trong trường học
Thái Thụy là một trong những huyện đi đầu trong việc xây dựng và phát triển tủ sách phụ huynh, từ đó đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trước hết, ngành Giáo dục huyện luôn quan tâm, chỉ đạo việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện trường học. Nhiều thư viện được đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại. Ngoài ra, tư duy về không gian thư viện đã có sự thay đổi, không bị bó hẹp trong khuôn viên phòng thư viện. Vì vậy, nhiều trường trong huyện đã xây dựng được thư viện xanh ngoài trời theo tiêu chí thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh tiếp cận gần hơn với sách, báo. Để tăng số lượng sách trong thư viện, các trường phổ thông trong huyện đã làm tốt công tác huy động sách như: học sinh tiết kiệm tiền mừng tuổi để mua sách; thực hiện luân chuyển sách giữa các lớp... Nhờ sự quyên góp của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm, 5 năm qua, các trường học trong huyện đã huy động được gần 180.000 cuốn sách trị giá trên 2 tỷ đồng. Đến nay, 100% lớp phổ thông trong huyện đều có tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học, số sách bình quân là 237 cuốn/tủ.
Để phát huy hiệu quả việc đọc sách, các nhà trường đã đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức thông qua việc tổ chức các hoạt động đa dạng như: giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, thi vẽ tranh theo sách, sân khấu hóa nội dung về sách... Qua đó, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập, góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”.
Chị Hứa Thị Hòa, cán bộ thư viện Trường Tiểu học và THCS Thụy Dương chia sẻ: Tại buổi giới thiệu cuốn sách có tựa đề “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu niên, nhi đồng”, học sinh trong trường khá hào hứng với cuốn sách này. Qua 63 câu chuyện kể về tình yêu thương của Bác dành cho phụ nữ và các em thiếu niên, nhi đồng đã giúp học sinh hiểu rõ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em không chỉ là việc của gia đình, nhà trường mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Hơn nữa, ý nghĩa từ những câu chuyện trong cuốn sách sẽ giáo dục các em tình yêu thương mọi người, đặc biệt là người mẹ, người bà và yêu thương các bạn xung quanh mình. Sau buổi giới thiệu cuốn sách, đã có nhiều em đến thư viện để mượn đọc cuốn sách này. Đây chính là hiệu quả từ các hoạt động giới thiệu sách mang lại.
Việc phát triển văn hóa đọc không chỉ được tổ chức trong các trường phổ thông mà còn được các trường mầm non trong huyện hưởng ứng nhiệt tình. Hiện nay, 100% các nhóm, lớp đã xây dựng được góc thư viện của bé với số đầu sách bình quân trên 120 cuốn/nhóm, lớp. Các trường thực hiện nghiêm việc đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe tối thiểu 45 phút/ngày; đồng thời, hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh cùng đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.
Cô giáo Lâm Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Thụy An chia sẻ: Đa số trẻ chưa có thói quen “đọc” sách và chưa biết giữ gìn sách nên trước tiên, cô phải hướng dẫn trẻ cách lật giở sách, cách lấy sách và cất sách đúng vị trí sau khi dùng xong. Ngoài kể chuyện cho trẻ nghe, cô còn hướng dẫn để các bé kể chuyện sáng tạo theo tranh hoặc chơi đóng vai các nhân vật trong truyện thông qua trò chơi rối tay. Các hoạt động tại góc đọc sách của bé giúp trẻ làm quen với văn hóa đọc, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng ghi nhớ mặt chữ. Ngoài ra, việc làm quen với sách cũng rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc, khả năng tra cứu của trẻ và thúc đẩy sự sẵn sàng học tập cũng như sự chuyển tiếp từ mầm non sang cấp tiểu học. Bởi vậy, Trường Mầm non Thụy An luôn quan tâm, chú trọng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết thêm: Những năm gần đây, việc bùng nổ công nghệ thông tin dẫn đến việc học sinh và xã hội có thói quen đọc và nghiên cứu trên internet, ít có thói quen đọc sách. Vì thế, để phát triển văn hóa đọc trong trường học, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường xã hội hóa để xây dựng thư viện, đặc biệt định hướng cho học sinh biết lựa chọn, cảnh giác trước những luồng thông tin độc hại trên mạng internet.
Nguyễn Thị Nhung Trang
(Trường Chính trị tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Tin bão gần biển Đông ( Cơn bão Man-Yi) 16.11.2024 | 10:57 AM
- Tin bão gần biển Đông (Cơn bão USAGI) 16.11.2024 | 10:58 AM
- Tiếp thêm động lực chống tội phạm xuyên quốc gia 16.11.2024 | 10:58 AM
- Thua đậm Nhật Bản, Indonesia xếp cuối bảng 16.11.2024 | 10:58 AM
- Kết quả bàn thắng Bồ Đào Nha vs Ba Lan: 5-1 (Vòng bảng Nations League 2024/25) 16.11.2024 | 10:59 AM
- Kết quả bàn thắng Đan Mạch vs Tây Ban Nha: 1-2 (Vòng bảng Nations League 2024/25) 16.11.2024 | 10:59 AM
- Hơn 700 học sinh tham dự hội thi phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em 15.11.2024 | 22:03 PM
- Thái Bình có 2 cá nhân được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2024 15.11.2024 | 18:12 PM
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất 15.11.2024 | 18:12 PM
- Thế giới đối mặt với lượng rác thải nhựa khổng lồ 15.11.2024 | 17:56 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai