Thứ 6, 15/11/2024, 19:35[GMT+7]

Lớp học vĩnh hằng

Thứ 2, 07/12/2020 | 09:26:08
6,355 lượt xem
“Sự việc xảy ra năm ấy là khi tôi học lớp 7. Mãi 2 năm trở lại đây, tôi mới có thể giữ được bình tĩnh để kể lại toàn bộ câu chuyện. Cuộc đời cũng đã trải qua nhiều sóng gió, tôi vào bộ đội, chứng kiến bạn bè, đồng đội hy sinh nhưng không khi nào có thể quên những cảm xúc khi tỉnh dậy tại trạm xá và biết tin cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 bạn trong lớp đã mãi mãi ra đi sau cuộc ném bom ác liệt của giặc Mỹ”.

Nghĩa trang 21/10 - nơi yên nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học trò được sắp xếp như một lớp học.

Người đàn ông với mái tóc nhuốm màu thời gian, những vết chân chim hằn trên khóe mắt và làn da đã điểm đồi mồi bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế. Đôi lúc, tôi cũng không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của ông vì khi kể lại câu chuyện, ánh mắt ấy vẫn lấp lánh những giọt nước mắt chỉ trực chờ để tuôn trào. Ông là Lê Xuân Thắng, sinh năm 1950, một trong những học sinh may mắn sống sót sau sự kiện máy bay Mỹ trút 4 quả bom xuống Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân (nay là Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân) ngày 21/10/1966.

Sau sự kiện năm ấy, đã nhiều lần ông Thắng được trực tiếp đi họp báo quốc tế tại Hà Nội để tố cáo tội ác của giặc Mỹ, để nói lên những đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho nhiều thế hệ học sinh của Việt Nam. 

Ông Thắng bồi hồi kể lại: Đó là năm học đầu tiên Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân được thành lập, bước vào năm học mới chưa đầy 2 tháng, mọi việc học tập bắt đầu đi vào nền nếp thì bỗng chốc toàn bộ nhà trường bị vùi trong đống đổ nát. Vào tiết học cuối, khi lớp 7 của chúng tôi đang trong giờ học thì 2 tốp máy bay của không quân Mỹ quần lượn trên bầu trời, trong làng vang lên tiếng kẻng báo động. Ngay lập tức, cô giáo Xuân dừng tiết học và hô to: Tất cả các em nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Cả lớp chúng tôi nhanh chóng chạy xuống giao thông hào, cô giáo là người xuống cuối cùng. Khi chúng tôi vào đến hầm trú ẩn, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời và bất ngờ lao xuống trút bom tàn phá ngôi trường. Sau đợt bom đầu tiên, tôi đã bị lấp kín. Nhìn ra xung quanh một màu khói bụi, tôi dùng hết sức lực để kêu cứu nhưng đáp lại chỉ có tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Sau đợt bom thứ hai, tôi cố gắng thoát được lên khỏi mặt đất và chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng chỉ chạy được tầm 100m thì ngất lịm. Ngôi trường mới được xây dựng bị tàn phá tan hoang. Nhưng đau thương hơn cả là trận bom ác liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 bạn trong lớp, tất cả đều bị đất đá vùi lấp. Cô giáo Xuân hy sinh trong tư thế vẫn ôm chặt 2 học trò vào lòng và lấy thân mình hứng chịu bom đạn, gạch đất ập lên người.  

Cô ra đi để lại con trai thơ ngây chưa đầy 3 tuổi đang gửi ông bà nội ở Lý Nhân, Hà Nam chăm sóc, nơi ấy cách trường cô dạy khoảng 100km. Hàng ngày, sau giờ lên lớp là nỗi nhớ chồng con da diết nhưng vì nhiệm vụ chuyên môn nên nỗi nhớ chỉ được gửi vào những trang thư. Trong lá thư cuối cùng viết cho chồng chưa kịp gửi, cô giáo Xuân mong mỏi đến ngày nghỉ mùa để được về thăm con. Cô đâu ngờ, lá thư ấy đến tay chồng khi cô đã mãi mãi ra đi và mong mỏi giản đơn của một người mẹ là được gặp con nhưng vì chiến tranh cũng mãi mãi chẳng thể trở thành hiện thực.

Bên cạnh lá thư viết cho chồng chưa kịp gửi, kỷ vật còn lại của cô giáo Xuân chỉ là chiếc túi xách cô đem theo hàng ngày tới trường. Chiếc túi da nhỏ nhắn, giản dị đã cũ sờn theo năm tháng hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Chính chiếc túi ấy giờ đây lại trở thành hiện vật lịch sử, kể câu chuyện về một cô giáo trẻ nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm với công việc, đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Ngày 20/6/1969, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân được Nhà nước công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Sau trận bom kinh hoàng của giặc Mỹ, trong niềm tiếc thương vô hạn, thi hài của cô giáo và 30 học sinh được nhân dân địa phương mai táng tại nghĩa trang riêng, đặt tên là nghĩa trang 21/10. Năm 2004, nghĩa trang 21/10 được tôn tạo với diện tích trên 1.000m2, các ngôi mộ được sắp xếp như một lớp học. Mộ của cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân được đặt trên cùng và nằm ở giữa, 30 ngôi mộ của các em học sinh lứa tuổi 13 - 16 được đặt theo 4 hàng dọc, 7 hàng ngang như thể các em vẫn trang nghiêm trong lớp nghe cô giảng bài. Đài tưởng niệm tựa như một cây bút ở giữa trang sách mở, lư hương biểu tượng lọ mực và dưới cùng là một dải khăn quàng đỏ. Đài tưởng niệm cao 14 bậc, trong nghĩa trang có 14 bồn cây, hoa cảnh, con số ấy tượng trưng cho các học sinh lứa tuổi 13 - 16 đang tràn đầy sức sống. Nghĩa trang 21/10 không chỉ là chứng tích đau thương của chiến tranh mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, tinh thần hiếu học của các thế hệ thầy cô giáo, học trò dù trong khói lửa của đạn bom, sự nghiệp giáo dục đào tạo vẫn được đặt lên hàng đầu.

Đau thương là vậy, 22 học sinh còn lại của lớp 7 ngày ấy nỗ lực vượt khó vươn lên, để rồi họ đều đỗ đạt trong kỳ thi tốt nghiệp với kết quả cao. Rời xa mái trường Phổ thông cấp II Thụy Dân, các học sinh của cô giáo Xuân lên đường tham gia kháng chiến với ý chí căm thù giặc Mỹ cùng khát vọng mãnh liệt vào một nền hòa bình, độc lập. Nhiều người trưởng thành trong quân đội, nhiều người đã thành danh nhưng cứ đến ngày 21/10 hàng năm, không ai bảo ai họ đều tề tựu đông đủ tại nghĩa trang 21/10, kính cẩn nghiêng mình với nén hương thơm tưởng nhớ cô giáo và các bạn đã khuất. Về lại nơi đây, họ như về lại lớp học khi xưa, như vẫn đang được nghe cô giảng bài “Thà đui mà giữ đạo nhà” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, bài giảng cuối cùng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân trong ngày 21/10 năm ấy.

Tú Anh