Chủ nhật, 24/11/2024, 12:35[GMT+7]

Phát triển hệ thống cấp nước sạch nông thôn ở Hà Nội: Kỳ vọng những giải pháp mới

Thứ 5, 10/12/2020 | 12:49:06
1,144 lượt xem
Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước, nhờ đó tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch tăng từ 37,2% (năm 2016) lên 78%. Để hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng nước sạch nông thôn, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thêm giải pháp mới, đồng thời thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng.

Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì thi công mạng cấp nước sạch trên địa bàn xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Ảnh: Kim Nhuệ

Còn 170 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước

Thông tin về việc phát triển hệ thống nước sạch nông thôn, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết: Khu vực ngoại thành Hà Nội có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây (hơn 4,43 triệu dân). Đến hết năm 2019, thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch có khả năng phủ kín khoảng 94% địa bàn nông thôn.

Hiện, hệ thống cấp nước đã mở rộng tới 246 xã, có khả năng cung cấp cho 880.135 hộ (hơn 3,52 triệu người), đạt tỷ lệ 78%. Trong đó, đã có 810.427 hộ ký hợp đồng sử dụng nước sạch (tỷ lệ 67,6%). Còn 170 xã với 378.055 hộ (hơn 1,43 triệu người) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung. “Trong số này có 141 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện; 29 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Những huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp là: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín”, ông Lê Văn Du thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, toàn huyện mới có 6.318 hộ (7,61% dân số) được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước trên địa bàn; còn 26/32 xã, thị trấn chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là nhà đầu tư hệ thống cấp nước - Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai, dự kiến sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, song nguồn nước này hiện chưa phủ tới phạm vi dự án nên nhà đầu tư chỉ sử dụng các trạm cấp nước hiện có.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho hay, huyện còn 9/23 xã, thị trấn chưa được cấp nước sạch là khu vực đồi gò, dân cư thưa thớt, khả năng sử dụng nước ít, vì vậy chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Để người dân nông thôn được dùng nước sạch

Công nhân lắp đặt đường ống nước sạch tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang 

Về giải pháp cấp nước cho 170 xã còn lại, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin: Với khu vực phía Bắc, liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã chuẩn bị triển khai mạng cấp nước cho 5 xã của huyện Đông Anh và cam kết hoàn thành trong quý II-2021. Còn 16 xã của huyện Sóc Sơn, liên danh này phối hợp với Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội, bổ sung nguồn cấp từ các nhà máy nước: Sông Đuống, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Mê Linh, nghiên cứu phương án cấp nước tổng thể, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021-2022.

Với khu vực phía Tây, theo ông Hoàng Cao Thắng, do có đến hơn nửa số xã theo kế hoạch tiếp nhận nguồn cấp từ Nhà máy Nước sạch sông Hồng, dự kiến đến quý IV-2021 mới hoàn thành, nên trước mắt, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội sử dụng nguồn nước sông Đà cấp cho 3 xã của huyện Đan Phượng, hoàn thành trong năm 2021. Nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành nghiên cứu phương án xây dựng trạm cấp nước cục bộ sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước cho 11 xã của huyện Phúc Thọ, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023...

Còn Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội nghiên cứu mở rộng mạng cấp nước đồng bộ cho 8 xã của huyện Thạch Thất. Riêng khu vực miền núi của huyện Thạch Thất, Quốc Oai không thể kết nối với hệ thống mạng cấp nước tập trung, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố triển khai dự án cấp nước cục bộ theo mô hình cụm hộ.

Với khu vực Tây Nam, do giáp hệ thống cấp nước Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam đang triển khai tại huyện Phú Xuyên và tỉnh Hà Nam, nên Sở Xây dựng đề xuất giao Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam triển khai mạng cấp nước cho huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, thay cho liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống...

Bên cạnh các đề xuất của Sở Xây dựng, ngày 7-12, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 10584/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiến độ cấp nước cho khu vực nông thôn.

Cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất phương án xử lý, điều chuyển phạm vi cấp nước đối với những dự án chậm tiến độ; xây dựng kế hoạch phát triển cấp nước cho toàn bộ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn thành phố hằng năm và 5 năm 2021-2025, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Sở Tài chính chủ trì, xây dựng phương án giá bán nước phù hợp với quy định và điều kiện thực tế ở khu vực nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cấp nước nông thôn; điều chỉnh, thu hồi dự án không thực hiện hoặc chậm triển khai. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn triển khai các dự án cấp nước nông thôn...

Những giải pháp đồng bộ nói trên được kỳ vọng giúp sớm hoàn thành mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn tiếp cận nước sạch.

Theo hanoimoi.com.vn