Thứ 7, 23/11/2024, 14:00[GMT+7]

Ý chí, nghị lực của nữ bệnh binh

Thứ 3, 22/12/2020 | 08:58:24
3,109 lượt xem
Với bệnh binh Tạ Thị Hạnh, cựu quân nhân Tiểu đoàn 674 (Đoàn 559), chủ cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), 4 năm sống và làm nhiệm vụ ở Trường Sơn là quãng thời gian đẹp nhất tuổi thanh xuân. Trở về cuộc sống đời thường, bà đã vượt qua khó khăn để trở thành điển hình làm kinh tế giỏi.

Cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động.

Nhập ngũ tháng 8/1973, khi đó bà Hạnh chỉ nặng 36,5kg, phải nhờ người khác đi cân hộ để được vào bộ đội. Trong 4 năm làm nhiệm vụ ở Trường Sơn, khoảng thời gian tham gia xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn làm bà trăn trở nhất. 

Bà Hạnh nhớ lại: Tháng 2/1976, tôi nhận lệnh đi xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, từ san ủi mặt bằng, làm đường lên các đồi trọc và thu gom hài cốt liệt sĩ về chôn cất, xây mộ, xây đài tưởng niệm. Cấp trên giao chỉ tiêu mỗi ngày đào 3 huyệt thì tôi đào 5 huyệt; giao cắt cỏ gianh 5 gánh thì tôi cắt 10 gánh. Có ngày, Tiểu đoàn quy tập được hơn 900 hài cốt liệt sĩ, vì vậy phải làm cả ngày lẫn đêm để đưa hài cốt nhập mộ kịp thời. Chúng tôi khi ấy tuổi mới mười tám, đôi mươi, chưa từng làm công việc này, vẫn hàng ngày tắm rửa cho các anh, đưa xương cốt vào tiểu rồi chôn cất. Đêm nằm giữa núi đồi, cạnh hài cốt các liệt sĩ đưa về chưa kịp chôn cất... mà chẳng ai sợ. Bởi chúng luôn tâm niệm đó là thân thể của những người đồng đội thân yêu. Chính vì chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nên chúng tôi, những người còn may mắn được trở về sau chiến tranh làm hết mình để tri ân những đồng đội đã ngã xuống, đồng đội để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường.

Trở về cuộc sống đời thường, bà Hạnh vào làm ở Xí nghiệp Dệt thảm Thanh Xuân (Thái Thụy). Khi Xí nghiệp giải thể, bà bắt đầu bươn trải với cuộc sống. Bà không nề hà bất kỳ công việc gì, kể cả đi mổ cá thuê, đi mua tôm, cá đem về bán tại chợ cóc. Dần dần bà bắt đầu buôn lớn, trở thành đầu mối chuyên thu mua tôm, cá cho các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng do thiếu kinh nghiệm thương trường, bà bị lừa và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Đúng thời điểm ấy, bà còn bị tai nạn giao thông cướp đi cánh tay trái. Tưởng như bà sẽ không gượng dậy được, sẽ gục ngã, buông xuôi. Nhưng ý chí, nghị lực của người lính Trường Sơn đã vực bà đứng dậy.

Bà Hạnh kể lại: Năm 2006, một số thương nhân Trung Quốc đến thuê đất nhà tôi, tình cờ nhìn thấy họ chỉ mua mỗi phần chân sứa còn phần mình bỏ đi. Nung nấu ý nghĩ làm thế nào để chế biến phần thân sứa thành món ăn được nhiều người ưa thích, tôi bắt tay vào thử nghiệm vận dụng cách chế biến sứa truyền thống của địa phương kết hợp học hỏi kỹ thuật làm phần chân sứa ướp muối của Trung Quốc để tạo ra sản phẩm sứa ăn liền. Tôi mời mọi người ăn miễn phí. Ban đầu dè dặt, có người không dám ăn, thấy tôi làm, tôi ăn, người ta bắt đầu để ý và đánh bắt được sứa đem về bán cho tôi, không vứt đi như trước. Tôi và chồng đi giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi, tập trung ở các hội chợ.

Đến nay, cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình của bà Hạnh đã có nhiều mặt hàng được người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trong cả nước ưa chuộng như: sứa muối, sứa ăn liền, tôm, cá đông lạnh, chả tôm, chả cá mực, nước mắm các loại..., thu về từ 300 - 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cùng 30 lao động thời vụ. Năm nay, do đại dịch Covid-19, cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề nhưng bà Hạnh cố gắng tạo điều kiện để người lao động có thu nhập.

Không chỉ là chủ cơ sở sản xuất, bà Hạnh còn làm Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn huyện Thái Thụy. Đau đáu về đồng đội, bà Hạnh cùng chồng thường xuyên giúp đỡ cựu chiến binh, nữ chiến sĩ Trường Sơn và thân nhân của họ. Bà làm đơn xin xóa nhà ở dột nát cho hội viên nghèo, cô đơn, đóng bảo hiểm nhân thọ cho một nữ chiến sĩ Trường Sơn. 

Bà Phạm Thị Báu, khu 4, thị trấn Diêm Điền cho biết: Tôi từng là chiến sĩ Trường Sơn. Từ năm 2005, chị Hạnh đã đóng bảo hiểm nhân thọ cho tôi, đến nay là 80 triệu đồng. Do sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, chị Hạnh tạo điều kiện cho tôi vào làm việc nhỏ trong cơ sở để có thêm thu nhập.

Bà Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh cho biết: Dù sức khỏe hạn chế nhưng chị Hạnh rất hăng say với công tác hội và là nữ chiến sĩ Trường Sơn tiêu biểu làm kinh tế và các hoạt động nghĩa tình đồng đội. Cùng với sự lãnh đạo của chị Hạnh, các hoạt động của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn huyện Thái Thụy diễn ra rộng khắp, ý nghĩa, thiết thực.

Xuân Phương