Thứ 6, 15/11/2024, 08:30[GMT+7]

Tân Lễ: Để làng nghề không mai một

Thứ 2, 28/12/2020 | 09:02:29
8,557 lượt xem
Phát triển rực rỡ rồi có lúc rơi vào cảnh điêu đứng nhưng người dân xã Tân Lễ (Hưng Hà) luôn biết cách vượt qua khó khăn để làng nghề không bị mai một. Bà con làm nghề không đơn thuần là kế sinh nhai mà còn muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề của ông cha đã có từ hơn 600 năm trước.

Những nét hoa văn trên chiếu cói của làng nghề Tân Lễ luôn đặc sắc và đẹp mắt.

Tinh hoa nghề dệt chiếu

Nhắc đến chiếu Hới, xã Tân Lễ, người ta nghĩ đến câu: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là những sản vật nổi tiếng được người xưa suy tôn. Chiếu Hới có nhiều loại khác nhau như cải, đậu, đót, trơn, cạp điều, sợi xe... với các kích thước khác nhau. Chiếu Hới có đặc điểm màu trắng ngà, mùi thơm dễ chịu của cói đồng. Chiếu dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, dễ giặt, thoáng sạch, thoát nước nhanh, phơi mau khô. Người thợ dệt chiếu ở Tân Lễ có những bí quyết và sáng tạo, trong đó phải kể đến kỹ thuật cải sợi dệt yếm, dệt mơ và bắt biên ít nơi làm được nên sản phẩm chiếu Hới vừa bền, vừa đẹp được người dùng đánh giá cao. Sản phẩm của làng nghề đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ có từ hàng nghìn năm trước nhưng để làm nên thương hiệu chiếu Hới phải bắt đầu từ thế kỷ XV nhờ công Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, người đã truyền lại kỹ thuật dệt sử dụng ngựa đỡ mà ông thu nhận được từ chuyến đi sứ tới Quảng Tây, Trung Quốc. Ông Vũ Toản, nguyên trưởng ban khánh tiết đền thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ cho biết: Những kỹ thuật dệt chiếu còn được lưu truyền đến ngày nay tạo nên nét đặc sắc của sản phẩm. Thương hiệu chiếu Hới đã vượt ra khỏi đất nước tới các quốc gia lân cận nên nghề chiếu ở Tân Lễ phát triển mạnh, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm. Vì thế, các thế hệ người dân luôn biết ơn và tôn kính Phạm Đôn Lễ là ông tổ nghề dệt chiếu của địa phương và lập đền thờ ông.

Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ trở thành tinh hoa nghề thủ công nên hàng năm, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương vẫn thường tổ chức lễ, hội thi dệt chiếu đẹp, một phần để tôn vinh nghề, một phần giáo dục con cháu bảo tồn giữ nghề của ông cha. Các nhà trường cũng dành những tiết ngoại khóa để giới thiệu về làng nghề và dạy nghề dệt chiếu cho học sinh.

“Bảy nổi ba chìm”

Làng nghề ở Tân Lễ có những thời điểm phát triển rực rỡ, nhà nhà, người người dệt chiếu. Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vào những năm 2000 - 2003, ở Tân Lễ nhà nào cũng có từ 1 - 2 khung dệt chiếu. Có thời điểm, cả xã có tới hơn 300 máy và khung dệt chiếu thủ công, cả làng nghề luôn lách cách tiếng thoi đưa, thợ làm ngày làm đêm. Thương lái khắp nơi đến nhập hàng và thanh niên của làng nghề cũng mang chiếu đi tới các vùng miền tiêu thụ. Làng nghề trở nên sôi động và đời sống của nhân dân cũng khá, giàu lên nhanh.

Song, cũng giống như bao làng nghề truyền thống trong tỉnh, có những thời điểm làng nghề Tân Lễ rơi vào cảnh lao đao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, các hộ làm nghề phải hoạt động cầm chừng hoặc chuyển nghề để bảo đảm mưu sinh. Ông Hà Duy Mai, chủ cơ sở sản xuất chiếu Hoàng Mai, thôn Quan Khê cho biết: Đợt dịch Covid-19 đầu năm, gia đình tôi cũng như các cơ sở, hộ sản xuất chiếu trong làng phải tạm ngừng hoạt động vì sản phẩm làm ra tồn kho, hàng nghìn lao động thiếu việc làm, thu nhập không bảo đảm cuộc sống.

Dịch Covid-19 chỉ là phép thử nhẹ đối với sức sống của làng nghề ở Tân Lễ bởi trước đó làng nghề trải qua cơn “bạo bệnh” tưởng không thể tồn tại. Đó là thời điểm, những năm 2005, số hộ theo nghề dệt chiếu cói chỉ còn đếm trên đầu ngón tay vì thị trường tiêu thụ bị bó hẹp. Không chỉ người thợ thủ công mà người dân buồn vì làng, xóm vắng tiếng lách cách thoi đưa.

Đâu dễ mai một

Thương cái nghề đã gắn bó, nuôi sống hàng chục thế hệ đứng trước nguy cơ xóa sổ, những người yêu nghề dệt chiếu của Tân Lễ tìm mọi cách níu giữ. Chị Hà Thị Hương, thôn Hải Triều, một trong ít người còn duy trì dệt chiếu cói thủ công hiện nay ở Tân Lễ chia sẻ: Nếu phải xa cái nghề từ trong nôi đã biết, thực sự quá đau lòng và nếu đánh mất đi kỹ thuật dệt chiếu cổ truyền thì thế hệ hôm nay có lỗi với các bậc tiền nhân. Chính suy nghĩ đó mà gia đình tôi vẫn giữ nghề dù hiệu quả kinh tế không cao.

Cũng bởi yêu nghề dệt chiếu, người dân Tân Lễ không chịu buông xuôi để mất nghề. Rất nhiều người đã lặn lội, tìm tòi hướng đi mới cho làng nghề. Và nghề dệt chiếu nilon ở Tân Lễ từ đó xuất hiện nhờ những con người năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm. Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói, chiếu nhựa Tiến Sơn, thôn Hải Triều cho biết: Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường và để những chiếc máy dệt chiếu không nằm chết trong xưởng, chúng tôi đã đi học hỏi và mang nghề dệt chiếu nilon về làng. Sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường đã tạo cơ hội cho làng nghề hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Người dân Tân Lễ sống được với nghề mới là điều kiện thuận lợi để họ ấp ủ làm sống lại nghề dệt cổ truyền. Đến nay, cả xã đã có 16 hộ dệt chiếu cói thủ công, 29 hộ với 90 máy dệt chiếu cói và có 8 xưởng với 344 máy vừa dệt chiếu cói vừa dệt chiếu nilon; mỗi năm sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 5,3 triệu lá chiếu, mang về doanh thu gần 280 tỷ đồng. Vào những ngày cuối năm này, các cơ sở, hộ dệt chiếu tranh thủ mọi thời gian để sản xuất chuẩn bị hàng phục vụ thị trường dịp tết và đầu xuân mới Tân Sửu. Tân Lễ lại rộn vang tiếng máy, lòng người dân cũng reo vui theo sức sống làng nghề.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày