Thứ 7, 23/11/2024, 13:58[GMT+7]

Người anh hùng đam mê với lúa giống

Thứ 3, 29/12/2020 | 08:44:11
16,964 lượt xem

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo luôn gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Người ta gọi ông là “Kỹ sư nông dân”, “Giám đốc của nông dân” và “ông Báo giống”... Nghe tôi nói về những biệt danh trìu mến mà mọi người dành cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - Trần Mạnh Báo, ông chỉ cười rất hiền. Ông nhìn ra xa như đang nhớ lại một câu chuyện gì đó, rồi ông kể: Mới đây, tôi vào miền Trung khi qua một cửa hàng bán lúa giống, thấy bà con đứng mua hàng rất đông, tôi ghé vào xem. Cửa hàng này bán rất nhiều giống lúa. Có một bà nông dân nói với cô bán hàng: Cho tôi mua giống lúa có ông đeo kính - giống Thái Bình ấy, tôi lặng lẽ đi ra mà lòng thấy ấm áp. Mình in hình trên bao bì, không phải để cho oai mà là sự bảo đảm chất lượng sản phẩm với người nông dân. Tôi chợt nghĩ hiếm có người nào nặng lòng với nông nghiệp, nông dân  như ông - người Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, lại đam mê với lúa giống đến như thế.

Ông sinh ra ở một làng quê ven biển của tỉnh Thái Bình. Tuổi thơ ông nếm trải những ngày lăn lóc trên cát, ăn khoai nhiều hơn ăn cơm. Lúc đó Trần Mạnh Báo từng ước mơ: Nếu sau này có cơ hội, sẽ làm cái gì đó để bà con quê mình có được bát cơm đầy, bữa ăn no. Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, như bao chàng trai khác, ông lên đường nhập ngũ và một mạch đi vào chiến trường, gác lại ước mơ “làm cái gì đó cho quê hương bớt lam lũ”. Chiến tranh kết thúc, ông xin chuyển ngành về Ty Nông nghiệp Thái Bình, từ công ty giống chăn nuôi chuyển sang công ty giống lúa, đây là khát vọng của Trần Mạnh Báo. Nhưng ước mơ là một chuyện, còn có làm được hay không thì cần phải có trình độ văn hóa để tiếp nhận kiến thức, trong khi ông chỉ có chiếc ba lô bạc màu và trái tim nhiệt huyết của tuổi 27. Ông xin đi học tiếp cho xong cấp III. Năm 1980, ông thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Trần Mạnh Báo về Thái Bình làm việc, được đề bạt Trạm phó Trạm sản xuất giống Đông Cơ, từ đây ước mơ tạo được những giống lúa có năng suất cao lại cháy bỏng, thu hút hết mọi tâm trí của ông. Đồng đất Thái Bình có hạn, không thể mở rộng diện tích để tăng sản lượng thóc, chỉ duy nhất là nâng cao năng suất thì người nông dân mới được ấm no. Ông đã viết đề án trình bày trước các hội nghị của tỉnh nhưng người ủng hộ cũng có mà người phản đối thì nhiều, đó chính là khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Bằng cứ liệu cụ thể ông đã thuyết phục được tất cả mọi người, cấp trên đồng ý cho làm thí điểm ở Trạm sản xuất giống Đông Cơ. Không chờ đợi lâu, chỉ một năm thử nghiệm đã cho kết quả ngoài mong đợi: Trước đây nhân viên của Trạm được 13kg gạo/tháng, sau khoán sản phẩm được 40kg. Sau hai năm thực hiện khoán sản phẩm Công ty Giống Thái Bình đã xóa bỏ bao cấp, không còn dùng tem phiếu nữa. Riêng Trạm giống Đông Cơ, với 56ha canh tác đã sản xuất được 600 tấn thóc, tăng 10 lần so với trước khi khoán. Dường như những bước đột phá như thế đều có dấu ấn của kỹ sư Trần Mạnh Báo và con đường thăng tiến cũng tuần tự diễn ra, như một lẽ tự nhiên của quy luật: Trạm phó, rồi Trạm trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc Công ty. Ông như con cá kình được vươn ra biển lớn, ước mơ, khát vọng, hoài bão... từng chất chứa trong ông từ những năm tuổi thơ, cả khi hành quân vào trận đánh với địch... hôm nay ông mới có dịp thực hiện khát vọng ấy. Tìm lúa giống cho Thái Bình vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong lòng Trần Mạnh Báo. Ông đã đi Trung Quốc, sang Thái Lan, gặp gỡ đại diện Chính phủ Đan Mạch... để mong “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thế rồi, nhà máy chế biến hạt giống được ra đời ở Thái Bình, từ đây hạt giống của Công ty đưa ra thị trường là hạt giống chuẩn, hiện đại nhất nước ta. Sau đó, ông thành lập phòng nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cấp lên Trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, rồi hệ thống phòng thử nghiệm... Nhờ cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ khoa học có trong tay, Công ty đã hoàn toàn chủ động sản xuất được những giống lúa tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bây giờ ThaiBinh Seed không chỉ chuyên chọn lọc giống, mà là lai tạo để tìm ra bộ giống cho năng suất cao, kháng dịch bệnh, thích ứng với khí hậu. Sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật cho phép lấy lá lúa đưa vào máy để xác định được gen, nếu không có gen như mong muốn là bỏ luôn, không chờ ra hạt mới kết luận được gen. Theo ông Báo thì để có một  loại giống cần 6 năm, thậm chí 15 năm, có rồi vẫn tiếp tục nghiên cứu. Có loại giống cho năng suất cao nhưng nhiễm bệnh lại phải lai với giống kháng bệnh để cho ra bộ giống chuẩn. Một vài công ty giống tỉnh bạn chỉ mua giống về bán theo kiểu thương mại, còn Công ty của ông Báo làm ra giống lúa mang thương hiệu Thái Bình để có gạo thương hiệu Thái Bình. Giống TBR1 ra đời là thành công mang ý chí, quyết tâm của kỹ sư Trần Mạnh Báo. Nhiều bộ giống của ThaiBinh Seed được đưa vào bộ giống quốc gia. Có thể nói, ThaiBinh Seed là doanh nghiệp đầu tiên trong số các doanh nghiệp giống cây trồng cả nước đã đi trước trong lai tạo, chọn lọc các giống lúa thuần có nguồn gốc Việt Nam. Câu chuyện mua giống BC15 với giá 200 triệu đồng cũng được nhắc nhiều. Sau 11 năm  nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử được đánh giá là khắc phục được một số nhược điểm của nhiều giống lúa thuần khác, có ưu điểm vượt trội là năng suất cao, gạo ngon hơn, khả năng thích ứng rộng có thể gieo cấy ở tất các vùng miền. Đến nay, BC15 đã có mặt trên đồng ruộng của hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã cảm xúc cho ra đời ca khúc “Tình ca hạt giống vàng”.

Trả lời câu hỏi bao giờ Thái Bình có gạo giống như  ST 25? Ông Báo chậm rãi nói: Chậm nhất là năm 2021, chúng tôi đang khảo nghiệm loại giống không thua kém gì ST. Tuy nhiên, xét về lượng xuất khẩu thì chúng tôi đã đưa ra thị trường 25.000 tấn mỗi năm. Đó là thành công.
- Với đội ngũ kỹ thuật hiện có, ông thật sự bằng lòng chưa?
- Bằng lòng là tụt hậu, phải tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, ThaiBinh Seed đã và đang có một chiến lược dài hơi về nguồn nhân lực, tôi yên tâm cho chặng đường phía trước nhưng không bao giờ bằng lòng với những gì đã có. 10 năm qua, ông là chủ nhiệm 7 đề tài, tác giả của 10 giống quốc gia. Ông đã có công liên kết với trên 70 điểm trên cả nước, mỗi năm tiêu thụ 25.000 - 30.000 tấn giống. 20 năm làm Tổng giám đốc, ông đã đưa Công ty từ một doanh nghiệp nhỏ bé thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành giống cây trồng Việt Nam, cung ứng 15 - 20% lúa giống cho cả nước. Sinh ra ở một vùng quê nghèo, ông thấu hiểu những khốn khó của người nghèo nên cá nhân ông hỗ trợ từ thiện xã hội hơn 1 tỷ đồng. Ghi nhận công lao đóng góp và thành tích đó, tháng 12/2020, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bạn bè, đồng nghiệp và cả những người bạn đồng ngũ từng cùng ông “vào sinh ra tử” khắp cả nước chúc mừng vinh dự lớn này. Ông đã nói như từng nói với toàn thể công nhân, người lao động trong Tập đoàn ThaiBinh Seed rằng, ông chỉ là người thay mặt họ nhận phần thưởng. Công lao thuộc về các thế hệ lãnh đạo ThaiBinh Seed, thuộc về những nông dân đang “một nắng, hai sương” làm nên những mùa vàng bội thu.

Trần Mạnh Báo là như thế. Đam mê cống hiến, hết lòng vì sự no ấm của nông dân... Nhưng lại hết sức khiêm nhường khi đón nhận phần thưởng cao quý.

Phạm Viết Thanh 
(Thành phố Thái Bình)