Chủ nhật, 24/11/2024, 12:51[GMT+7]

Cấp nước sinh hoạt đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,32 triệu mét khối/ngày

Thứ 2, 04/01/2021 | 09:41:07
1,075 lượt xem
Hiện tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 1,32 triệu mét khối/ngày.

Tặng bồn chứa nước và cấp nước ngọt cho người dân vùng hạn, mặn Bến Tre. Ảnh: TTXVN

Theo bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua đã được các cấp chú ý đầu tư xây dựng, góp phần rất lớn đối với sự phát triển của các đô thị trong vùng.
Hiện tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 89,6%, tăng 1,5% so với năm 2017 và tương đương tỷ lệ cấp nước sạch đô thị bình quân của cả nước.

Cùng đó, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 22,5%. Trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 3 tỉnh, thành phố gồm Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh làm cơ sở quản lý, triển khai các dự án đầu tư.

Trước tình hình nhiễm mặn nguồn nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm qua, UBND dân các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” cung cấp nước thô cho 3 địa phương này để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với các các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre tổ chức thẩm định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 dân số toàn vùng khoảng 18 - 19 triệu người; trong đó, dân số đô thị khoảng 6,5 - 7,5 triệu người - tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35% - 40%.

"Mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước nhưng trước các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên khí hậu, địa chất của khu vực thì việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức" – bà Hương nhận xét.
Do đó, giai đoạn tới, khu vực này cần thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Theo bnews.vn