Chủ nhật, 24/11/2024, 01:43[GMT+7]

Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021) Tự hào Quốc hội 75 năm

Thứ 4, 06/01/2021 | 08:57:33
11,579 lượt xem
Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. 

Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định và xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội có nhiều tiến bộ, số lượng và chất lượng đều được nâng lên, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động giám sát được Quốc hội tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng mang tầm quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới đất nước. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19; chuyển từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” làm cho bầu không khí tại nghị trường luôn sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao - Tân Đệ. 

75 năm qua, hòa trong dòng chảy hào hùng của lịch sử Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã trải qua chặng đường hết sức vẻ vang và đáng tự hào. Trong 14 khóa, cử tri Thái Bình đã trực tiếp bầu 208 lượt đại biểu ưu tú đại diện cho các tầng lớp nhân dân vào Quốc hội. Từ năm 1946 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Từ thực tiễn của địa phương, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã phát huy vai trò, trách nhiệm tích cực nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng luật pháp và thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị có chiều sâu, có minh chứng cụ thể, có căn cứ thuyết phục phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu chuyển thành pháp luật, cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống nhân dân Thái Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Nổi bật là các đề xuất, kiến nghị về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải pháp tháo gỡ các nút thắt, các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế; chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; đào tạo nghề cho nông dân; giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách... 

Trong công tác xây dựng luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia tích cực vào việc góp ý với Quốc hội ban hành Hiến pháp và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh, tạo nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của người dân. Hoạt động giám sát ngày càng được tăng cường trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở như quản lý, sử dụng đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường,... bảo đảm thực thi pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. 

Với tinh thần thẳng thắn, mang tính xây dựng, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, giúp Chính phủ kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Trong các kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thái Bình, góp phần tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại huyện Thái Thụy.

Tiếp nối truyền thống các khóa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIV tiếp tục ghi đậm dấu ấn bằng nhiều hoạt động. Đến nay, qua 10 kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia 374 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ đóng góp vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, công tác xây dựng luật và quyết định những chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có 33 lượt đại biểu với 66 ý kiến chất vấn trực tiếp và bằng văn bản với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Để chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 33 hội thảo lấy ý kiến tham gia đóng góp vào 62 dự án luật; với các dự án luật không có điều kiện tổ chức hội thảo Đoàn đều gửi văn bản lấy ý kiến của các ngành có liên quan. Tổ chức 11 cuộc giám sát, 13 cuộc khảo sát về các vấn đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc. Bước tiến mới và dấu ấn nữa của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV là đã tổ chức tiếp xúc cử tri 18 đợt với 144 cuộc ở 2.160 lượt xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, có trên 25.000 lượt cử tri tham dự, đã tiếp thu, tổng hợp 685 ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển Quốc hội và các cấp, các ngành liên quan xem xét, giải quyết; có 20 ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương với gần 400 công văn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia 47 lần tiếp công dân và tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở, tiếp nhận 518 đơn, thư, nghiên cứu xử lý và chuyển 104 công văn kèm theo đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đã nhận được 50 báo cáo kết quả giải quyết. Đoàn còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức thăm, tặng quà 44 tập thể, 65 cá nhân là các vị nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh, các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người khuyết tật, cán bộ, chiến sĩ... kịp thời tri ân, động viên, giúp họ vơi bớt khó khăn.

Lịch sử 75 năm vinh quang của Quốc hội Việt Nam và những dấu ấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình qua 14 khóa hoạt động là tài sản vô giá cho các thế hệ đại biểu Quốc hội tiếp theo tiếp nối, kế thừa và phát huy để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và cử tri, góp phần tích cực và hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Phạm Văn Tuân
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)


Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội, là người đồng hành cùng nhân dân trong việc đưa những vấn đề của cuộc sống vào nghị trường Quốc hội. Chính vì vậy, chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội là công việc rất quan trọng.

Những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng công tác lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần, số lượng theo quy định. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh còn chú trọng tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử theo đúng hướng dẫn, đúng quy trình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Phối hợp với các tổ chức thành viên và các đơn vị liên quan giám sát, vận động nhân dân tham gia giám sát quá trình tổ chức bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật, là ngày hội của toàn dân. Với sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ tỉnh, qua 14 lần bầu cử, cử tri đã lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu, có đức, có tài bầu làm đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa đã không ngừng nỗ lực làm tròn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân toàn tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức các hội nghị tiếp xúc với cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu giải quyết; đồng thời, giám sát, đôn đốc việc giải quyết để bảo đảm ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đang xây dựng kế hoạch để chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2021.

Ông Phan Đình Khương (Bút Ngữ), đại biểu Quốc hội khóa III, IV
Năm 33 tuổi, tôi được Ủy ban MTTQ tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III. Lúc đó tôi rất phấn khởi song cũng vô cùng lo lắng bởi tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều mà đại biểu Quốc hội mang nhiều trọng trách với nhân dân. Trong những ngày đi tuyên truyền, vận động cho cuộc bầu cử và tiếp xúc cử tri, tận mắt thấy, tai nghe những tâm tư, nguyện vọng, gửi gắm của cử tri, nhất là người nông dân với mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, tôi đã tự xây dựng cho mình chương trình hành động cụ thể để thực hiện nếu được cử tri tín nhiệm bầu. Khi trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi lại vinh dự được gặp Bác Hồ trong buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, Người căn dặn: Quốc hội có người già, người trẻ. Người trẻ năng động, người già nhiều kinh nghiệm, nhiều tri thức... Người già phải cố gắng làm theo năng lực của người già. Người trẻ phải cố gắng làm theo năng lực của người trẻ. Làm theo lời Bác, tôi đã không ngừng phấn đấu, không ngại khó, ngại khổ, tích cực đi cơ sở nắm bắt khó khăn, vướng mắc, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của người dân trong hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp để kiến nghị với Quốc hội, đồng thời tham gia phát biểu đóng góp ý kiến vào các báo cáo, dự thảo luật... tại các kỳ họp Quốc hội. Vừa đi cơ sở phỏng vấn viết tin, bài, tôi vừa phổ biến chính sách, pháp luật Quốc hội mới thông qua cho người dân biết. Những nỗ lực của tôi đã được cử tri, nhân dân ghi nhận, tiếp tục tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa IV.

Bà Đỗ Thị Thu Hiền, đại biểu Quốc hội khóa V, VI, VII
Bản thân tôi rất vinh dự, hạnh phúc, tự hào khi được làm người đại biểu của nhân dân 3 khóa liền. Tôi cũng xác định trọng trách sẽ nhiều bởi vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội được nhân dân giao cho rất lớn. Vì thế, suốt 12 năm (1975 - 1987) là đại biểu Quốc hội, tôi cùng các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; luôn gắn bó với cử tri và nhân dân, chịu sự giám sát của cử tri và nhân dân; nắm bắt, phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân địa phương gửi tới Quốc hội; góp phần làm cơ sở để Quốc hội xây dựng luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Bà Trần Thị Gái, 93 tuổi, xã Tân Lập (Vũ Thư)
Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng nhân dân ta khỏi ách lầm than “một cổ hai tròng” của chế độ thực dân, phong kiến. Niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên nhân dân cả nước, trong đó có tôi được tự tay đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Sáng sớm ngày 6/1/1946, trong không khí tưng bừng, cờ hoa rực rỡ, tôi và đông đảo bà con trong xóm ai cũng mặc quần áo đẹp, vui mừng, tự hào, phấn khởi, nô nức đến sân kho (nay là nhà văn hóa) thôn Trung Thành, xã Tân Lập lấy phiếu rồi trật tự xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình. Đến nay, tôi đã 14 lần được đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, thật vinh dự và tự hào. Tôi thấy hầu hết các đại biểu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội các khóa đã cố gắng làm tròn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, nhất là trong công tác xây dựng luật và chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tới Quốc hội.
 Bà Lê Thị Phú, thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng)
Năm 20 tuổi, lần đầu tiên được đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, tôi rất vui và hồi hộp. Tôi dậy từ sớm, tới khu vực bỏ phiếu của tổ 2. Tôi nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, ai có trình độ, năng lực, có uy tín, trách nhiệm với dân, với nước thì bầu. Ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân, diễn ra trong không khí tưng bừng, phấn khởi, dân chủ, công khai. Những lần bầu cử sau tôi đều thu xếp công việc để đi bỏ phiếu từ sớm. Tháng 5/2021 sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi sẽ thực hiện tốt quyền công dân của mình và vận động con cháu thu xếp công việc đi bầu cử sớm.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày