Thứ 7, 23/11/2024, 19:11[GMT+7]

Đông Hưng: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Thứ 4, 24/02/2021 | 08:42:16
1,545 lượt xem
Những năm gần đây, các xã trên địa bàn huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Mỗi máy cấy mạ khay 6 hàng cấy được 9 mẫu lúa/ngày.

Là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, xã Nguyên Xá đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất như: triển khai cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện để hộ nông dân đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn sử dụng máy nông nghiệp cho các hộ nông dân; tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện toàn xã có 14 máy cấy và 4 công cụ cấy cầm tay, trong đó có 3 máy cấy 6 hàng công suất lớn. 100% khâu làm đất bằng máy. 

Ông Vũ Ngọc Khanh, Giám đốc HTX DVNN xã Nguyên Xá cho biết: Tổng diện tích cấy lúa xuân của xã là 266ha, 40% cấy lúa chất lượng cao, 100% là giống lúa ngắn ngày, gieo mạ trên sân, mạ khay. Nguyên Xá là xã nghề, đến mùa vụ thường thiếu lao động, dù vậy các hộ nông dân vẫn muốn cấy để lấy thóc ăn nhưng thuê người cấy tay chi phí rất cao. Khi HTX đưa máy cấy mạ khay vào đồng ruộng được hội viên nông dân hưởng ứng tích cực. Trung bình 1 máy cấy được 5 - 9 mẫu/ngày. Để mở rộng diện tích cấy máy mạ khay, HTX kết hợp với các chủ máy tư vấn, hướng dẫn quy trình gieo, chăm sóc, cung cấp khay, đất cho bà con tự làm mạ. Đến nay, 80% diện tích sản xuất lúa của xã cấy bằng máy, do vậy, toàn bộ diện tích lúa của xã đều bảo đảm cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Trên cánh đồng xã Đông Động những ngày chính vụ có tới gần 10 máy cấy hoạt động hết công suất để nhanh chóng phủ kín màu xanh cho gần 200ha đất của xã. Trước đây, khi đến vụ cấy, gia đình anh Phạm Văn Vinh, thôn Lam Điền phải chạy khắp nơi tìm thuê người cấy lúa cho kịp thời vụ, có vụ không thuê được nhiều người nên cấy muộn, lúa bị sâu bệnh phá, năng suất giảm, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, được tỉnh hỗ trợ tiền mua máy cấy, anh Vinh mạnh dạn đầu tư 3 máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy làm đất vừa làm dịch vụ cho bà con xã Đông Động và các xã lân cận vừa làm 30 mẫu ruộng của gia đình. Anh Vinh cho biết: Đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng không chỉ giúp tôi giải bài toán thiếu lao động khi mùa vụ đến mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Sau khi phục vụ sản xuất cho gia đình, tôi còn nhận làm thuê mỗi vụ khoảng 80 mẫu ruộng cho bà con nông dân. Nếu không có máy, tôi không thể tích tụ được diện tích lớn để cấy lúa hàng hóa như hiện nay.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là một trong những tiêu chí đầu tiên của việc cấy lúa ứng dụng công nghệ cao cũng là điều kiện để các địa phương quy vùng sản xuất tập trung, các cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất lúa hàng hóa. 

Ông Phạm Minh Hiển, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Động cho biết: Từ vụ xuân năm nay, xã Đông Động triển khai 3 cánh đồng 4 cùng: cùng giống, cùng thời vụ, cùng quy trình canh tác, cùng thời điểm thu hoạch với tổng diện tích trên 30ha. Trên các cánh đồng 4 cùng, 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa trong các khâu. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa, việc xây dựng cánh đồng 4 cùng góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích ruộng bỏ hoang. Đặt biệt, từ vụ xuân năm nay, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ 40.000 đồng/sào cấy máy cho các hộ nông dân đã giúp địa phương mở rộng được diện tích cấy máy mạ khay lên 40%.

Vụ xuân năm 2021, tổng diện tích cấy máy mạ khay của huyện Đông Hưng khoảng 2.000ha, tăng so với vụ trước 1.000ha. Những xã có diện tích cấy máy mạ khay nhiều là Nguyên Xá, Phú Châu, Chương Dương, Đông Tân, Đông Động... Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, lúa cấy máy ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với lúa cấy tay trung bình từ 10 - 13%. Để tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới huyện Đông Hưng chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nhằm tăng thu nhập cho nông dân, khắc phục tình trạng bỏ ruộng do sản xuất lúa kém hiệu quả.

Thu Hiền