Chủ nhật, 10/11/2024, 05:35[GMT+7]

Gần 2.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn

Thứ 5, 25/02/2021 | 10:12:38
8,800 lượt xem
Theo kế hoạch, sáng ngày 27/2/2021, UBND tỉnh sẽ tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn. Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh S1; tăng cường thông thương giữa Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các địa phương có quốc lộ 10 đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay mật độ người và phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 10 rất đông, luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Thành, xã Đông Động (Đông Hưng) cho biết: Quốc lộ 10 hiện nay đang quá tải do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, rất dễ xảy ra ùn tắc. Từ khi tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, người dân địa phương chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Hy vọng sau lễ khởi công tuyến đường sẽ được khẩn trương xây dựng, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-UBND, ngày 12/6/2020 với tổng chiều dài 21,28km, điểm đầu tiếp giáp với đường dẫn cầu vượt sông Hóa, cách cầu Nghìn hiện tại khoảng 1,3km về phía hạ lưu, thuộc địa phận xã An Thanh (Quỳnh Phụ); điểm cuối đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình). Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo quy mô đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/giờ, bề rộng nền đường 22,5m.

Ngoài ra, trên toàn tuyến còn đầu tư xây dựng 4 cầu với tổng chiều dài 397,6m, gồm cầu sông Cô, cầu sông Diêm Hộ, cầu sông Tiên Hưng và cầu sông Sa Lung; xây dựng 11 hầm chui dân sinh ở vị trí thiết yếu, bố trí các đường gom để kết nối với các tuyến đường dân sinh bị giao cắt khác vào tuyến đường, bảo đảm việc lưu thông bình thường của người dân giữa hai bên tuyến chính; xây dựng đồng bộ các công trình phòng hộ và an toàn giao thông... Tổng mức đầu tư của dự án 2.586,83 tỷ đồng. Hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, vốn đầu tư của nhà đầu tư BOT và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian xây dựng từ năm 2020 - 2023. Thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án 23 năm (từ năm 2023 đến năm 2046). Để thực hiện dự án, về mặt bằng sẽ phải giải phóng, thu hồi đất khoảng 90,13ha, trong đó 88,61ha đất nông nghiệp, 1,52ha đất ở nông thôn, dự kiến tái định cư 264 hộ.

Ông Đặng Văn Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã chủ động, tích cực cùng các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, lập dự án trình Bộ Giao thông Vận tải, các sở, ngành, địa phương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phục vụ xây dựng tuyến đường. Sau khi dự án được phê duyệt, thực hiện nhiệm vụ được giao là bên mời thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Qua hai vòng sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đến nay kết quả lựa chọn nhà đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-UBND, ngày 5/2/2021. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình, Công ty Cổ phần Damsan và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành. Thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua để đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai thi công công trình. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, lập kế hoạch và triển khai thi công các hạng mục công trình.

Ngay sau lễ khởi công, liên danh nhà thầu sẽ tập trung thiết kế kỹ thuật thi công, nhận mặt bằng, khoan thăm dò địa chất, phê duyệt thiết kế kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải và tiến hành thi công trên thực địa. Đây là dự án có quy mô lớn nhưng với năng lực của các nhà đầu tư cùng với sự đồng hành của ngân hàng; sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, liên danh 4 nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt nhất để công trình trở thành công trình tiêu biểu của tỉnh, thể hiện sự lớn mạnh cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Damsan, đại diện liên danh nhà đầu tư


Tuấn Hưng