Thứ 7, 23/11/2024, 14:34[GMT+7]

Bà Hằng giàu lòng nhân ái

Thứ 6, 26/02/2021 | 08:39:22
6,086 lượt xem
Sinh thời, Bác Hồ luôn là biểu tượng cao đẹp về lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Noi gương Bác, nhiều năm qua, bà Trịnh Thị Hằng, đảng viên Chi bộ thôn Hưng Đạo 2, xã An Vinh (Quỳnh Phụ) luôn miệt mài tìm kiếm, kết nối những tấm lòng hảo tâm; thành lập cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT), trở thành điểm tựa cho nhiều mảnh đời kém may mắn.

Xưởng gia công đồ thủ công mỹ nghệ của bà Hằng (người bên phải) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có nhiều người khuyết tật.

Trước khi gắn bó với phong trào từ thiện, nhân đạo của địa phương, bà Hằng có hơn 20 năm công tác với nhiều vị trí khác nhau từ cán bộ chuyên trách dân số đến Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Phó Chủ tịch HĐND xã. Ở cương vị nào bà cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Hằng tâm sự: Nhờ quãng thời gian này mà tôi có cơ hội tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, NKT, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trên địa bàn xã. Hầu hết họ đều mang tâm lý tự ti, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi, vì vậy, dù nhu cầu việc làm cao song khó tìm được công việc phù hợp, ổn định nên rất cần sự giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, bà Hằng luôn trăn trở tìm kiếm công việc phù hợp với NKT. Sau khi tìm được công việc phù hợp, đầu mối ổn định cho sản phẩm, bà đã thành lập xưởng, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT và những người không có điều kiện làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Đến nay, xưởng gia công đồ thủ công mỹ nghệ của bà Hằng đã hoạt động được 3 năm, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động tại xưởng và 40 lao động tại nhà, trong đó có nhiều NKT với thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng; tuy không cao song với lao động khuyết tật, sức yếu, gia đình neo đơn thì nguồn thu nhập này cũng phần nào giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Chị Trịnh Thị Hảo, thôn Hương Hòa cho biết: Tôi và chồng đều là NKT nên không thể xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp. Nhờ có cơ sở của bà Hằng mà chúng tôi có việc làm và có thu nhập để nuôi hai con ăn học. Công việc ở đây cũng khá đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian không quá khắt khe, chúng tôi vẫn có thể tranh thủ đưa đón con đi học. Vào các ngày lễ, tết chúng tôi đều nhận được quà; chồng tôi còn được tặng xe lăn, nhờ vậy việc di chuyển cũng thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, bà Hằng còn chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương thành lập câu lạc bộ NKT và nạn nhân chất độc da cam/Điôxin. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm động viên, khích lệ NKT, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bà cũng đứng ra kết nối với Công ty Hà Phương tặng gạo cho 8 gia đình khó khăn, mỗi hộ 10kg/tháng. Trên cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, bà tích cực kết nối với các tổ chức, cá nhân, kêu gọi sự chung sức của cộng đồng, tạo mọi điều kiện giúp đỡ NKT, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ xã phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huy động 140 triệu đồng tặng 461 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, gia đình khó khăn đột xuất; tặng 14 chăn ấm cho hộ nghèo đơn thân; tặng 4 xe lăn cho NKT; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã, bà tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chủ động tiếp nhận dự án Habitat nhằm hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Toàn xã có 8 hộ được hỗ trợ xây nhà mới, 15 nhà được hỗ trợ sửa chữa, 25 công trình vệ sinh được hỗ trợ xây dựng.

Hiện nay, tuy tuổi đã cao song bà Hằng vẫn rất tâm huyết với công tác từ thiện, nhân đạo của địa phương. Bà tâm sự: Nhiều năm gắn bó với công tác từ thiện, nhân đạo, tôi luôn xem niềm vui, hạnh phúc của những người yếu thế là niềm vui, hạnh phúc của mình. Vì vậy, dù tuổi đã cao và không giữ vị trí cán bộ chủ chốt của Hội Chữ thập đỏ xã nữa nhưng tôi vẫn muốn giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn với phương châm “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.



Đào Quyên

  • Từ khóa