Thứ 6, 15/11/2024, 08:43[GMT+7]

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2

Thứ 3, 02/03/2021 | 14:10:36
1,034 lượt xem
Sáng 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cấp, các ngành đã lo Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người dân chu đáo trong bối cảnh dịch Covid-19, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn, vùng thiên tai, để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Ngay sau Tết, chúng ta đã phát động ra quân làm việc đầu năm, phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với tinh thần trồng một tỷ cây xanh trong năm năm tới. Nhiều địa phương trong cả nước đã hưởng ứng.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 -0

Toàn cảnh phiên họp.  Ảnh: TRẦN HẢI

Về đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trọng điểm phía bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng, đến nay, chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình, trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới. Chúng ta đã kiểm soát với tinh thần thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách. Cũng trong tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vaccine.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng, tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng trong tháng 2 và hai tháng đầu năm. Nông nghiệp được mùa, được giá. Đặc biệt, xuất nhập khẩu trong hai tháng đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%; xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tình hình doanh nghiệp cũng có một số dấu hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4%, số vốn đăng ký tăng hơn 52%.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận một số nội dung, trong đó tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “Vaccine + 5K”, không được chủ quan. Truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa. Phải nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, gồm các đối tượng dễ lây nhiễm, người nghèo, gia đình chính sách, yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này. Chúng ta bảo đảm ngân sách và các mặt khác để mọi người được tiêm vaccine. Ngành y tế và các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm túc vấn đề này một cách nhanh chóng. Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục khoanh ổ dịch ở Kim Thành, Hải Dương mạnh mẽ.

Cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép tiếp tục được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu ở mức cao nhất. Trong quý I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày 19-2 của Thủ tướng Chính phủ về đôn tốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “còn tồn tại việc gì mà giải quyết được trong phạm vi trách nhiệm của mình thì tập trung xử lý giải quyết”, để “bước sang Chính phủ khóa mới tốt nhất, liên tục”. “Thậm chí, có những việc cần giải quyết, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng họp ban đêm với các đồng chí để cùng các đồng chí quyết một số việc”.

* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 2 ước giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 2 năm nay ít hơn tám ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp tháng 1 năm nay tăng khá so với tháng 1-2020 (22,5%) nên tính chung hai tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp tám điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,6%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2,7%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tháng 2 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số vốn đăng ký trong tháng 2 tăng 15,9% so tháng trước và tăng 85,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 80,1% và giảm 21,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể giảm 53,5% và giảm 32,2%. Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tính chung hai tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong hai tháng đầu năm, có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%. Trung bình mỗi tháng có 16,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-2 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 126 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 74,8% về số dự án và giảm 33,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 115 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 151,8%; 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD, giảm 34,4%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 109 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 202,8 triệu USD và 336 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 340,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so cùng kỳ năm trước.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày