Thứ 5, 14/11/2024, 11:36[GMT+7]

Ban hành chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam

Thứ 6, 05/03/2021 | 08:18:14
1,750 lượt xem
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 08/2021/TT-BTC quy định chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.

Ảnh minh họa.

Theo đó, chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán nội bộ và các tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán nội bộ của các đơn vị này.

Mục đích của chuẩn mực nhằm: Đưa ra một khung quy định để thực hiện và thúc đẩy hoạt động kiểm toán nội bộ tạo ra giá trị gia tăng cho đơn vị. Thiết lập cơ sở để đánh giá hoạt động kiểm toán nội bộ. Khích lệ các quy trình và hoạt động đã được cải tiến của đơn vị.

Chuẩn mực là một bộ quy định bắt buộc mang tính nguyên tắc, bao gồm: Quy định cốt lõi về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ và về đánh giá hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ ở cấp độ cá nhân và cấp độ đơn vị. Các diễn giải chuẩn mực nhằm làm rõ các thuật ngữ và khái niệm trong chuẩn mực.

Chuẩn mực kiểm toán nội bộ gồm có hai nhóm chính: nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động. Nhóm chuẩn mực thuộc tính đề cập đến các đặc tính của đơn vị và cá nhân thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Nhóm chuẩn mực hoạt động mô tả bản chất của hoạt động kiểm toán nội bộ và đưa ra các tiêu chí chất lượng để đo lường hoạt động kiểm toán nội bộ. Nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động được áp dụng đối với tất cả các hoạt động kiểm toán nội bộ.

Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ

Người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững các nguyên tắc đạo đức sau:

a. Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ.

b. Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ; thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm tra; đưa ra những đánh giá khách quan về tất cả các tình huống thích hợp và không bị tác động bởi lợi ích cá nhân của chính mình hoặc của những người khác trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình.

c. Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán nội bộ tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.

d. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong việc cung cấp các dịch vụ và các hoạt động kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.

đ. Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2021.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày