Thứ 5, 14/11/2024, 10:58[GMT+7]

Dạy học gắn với di sản

Thứ 2, 15/03/2021 | 08:58:15
5,619 lượt xem
Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, việc dạy học gắn với di sản đã được nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là hình thức dạy học giàu sự sáng tạo, sinh động, trực quan, hấp dẫn, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương cho học sinh.

Buổi ngoại khóa của học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình bên Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam.

Vũ Thư là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 65 di tích lịch sử được xếp hạng. Đây là điều kiện lý tưởng để các nhà trường triển khai thực hiện việc dạy học gắn với di sản. Nằm trên địa bàn xã Vũ Hội, Trường THCS Vũ Hội đã chọn nhà lưu niệm Chi bộ Thư Vũ để tổ chức hình thức dạy học này. Đây là một trong những chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Tại buổi học ngoại khóa, học sinh nhà trường đã chia thành 3 đội Trần Cung, Hiệp Vỡi và Vũ Ngọc Nhạ sôi nổi tham gia các phần thi chào hỏi, nhà sử học thông thái và thi hùng biện. Các em đã thể hiện vốn hiểu biết phong phú về quá trình thành lập, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên những mốc son chói lọi của cách mạng, cùng với đó là sự ra đời của Chi bộ Thư Vũ. Đặc biệt, trong phần thi hùng biện, các em đã thể hiện khả năng thuyết trình về truyền thống địa phương và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương. Đan xen giữa các phần thi là các phần biểu diễn văn nghệ được dàn dựng hết sức công phu của thầy và trò nhà trường. 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Chung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thông qua hình thức dạy học này, các em học sinh được phát triển một số kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin với sự hỗ trợ của những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình kể chuyện Bác Hồ thông qua tranh, ảnh.

Không chỉ các trường THCS, những năm gần đây, việc dạy học gắn với di sản được triển khai thực hiện ở cả cấp THPT. Tại hội thảo sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông gắn với hoạt động ngoại khóa tìm hiểu lịch sử Bác Hồ với nông dân Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Quảng trường Thái Bình vừa qua, học sinh của Trường THPT Chuyên Thái Bình được tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cũng như những câu chuyện cảm động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân Việt Nam nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng. 

Em Phạm Thị Minh Thu, Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: Một buổi học ngoại khóa gắn với di tích, địa danh lịch sử cụ thể đã giúp chúng em hiểu rõ và ghi nhớ hơn ý nghĩa của những dấu mốc, sự kiện, câu chuyện lịch sử về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tại hoạt động ngoại khóa lần này, chúng em thấy được sự gần gũi, gắn bó của Người đối với giai cấp nông dân. Những lời dạy của Người sẽ mãi là niềm khích lệ, động viên đối với mọi tầng lớp trong xã hội qua mọi thời đại.

Phần thi của học sinh Trường THCS Vũ Hội (Vũ Thư) trong buổi ngoại khóa tại nhà lưu niệm Chi bộ Thư Vũ.

Thầy giáo Trần Đăng Khoa, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết: Để dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh thì cần phải đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học. Và thực hiện hoạt động ngoại khóa chính là cách để đa dạng hóa điều đó. Đồng thời giúp các em học sinh phát triển phẩm chất, năng lực và yêu thích hơn bộ môn Lịch sử. Trong thời gian tới, việc dạy học gắn với di sản cần được thực hiện thường xuyên hơn nữa, không chỉ với môn Lịch sử mà với nhiều môn học khác như: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân. Không chỉ dừng lại tại buổi ngoại khóa của Trường THPT Chuyên Thái Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức giờ học toàn ngành chuyên đề “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” với tất cả học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua thực tế sau nhiều năm tổ chức hình thức dạy học này, nhiều học sinh và cả phụ huynh rất hào hứng, ủng hộ việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Các em chia sẻ rất chờ đợi đến mỗi giờ học được tiếp cận và tìm hiểu nội dung bài học thông qua các di sản. Từ đó, giúp các em phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, phát triển trí tuệ và nhân cách. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục khuyến khích các nhà trường, các thầy cô giáo đa dạng hóa hình thức dạy học, trong đó chú trọng dạy học gắn với di sản để giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng cho học sinh trong tỉnh.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày