Chủ nhật, 17/11/2024, 18:23[GMT+7]

Quyết liệt thực hiện, không để nợ đọng nhiệm vụ

Thứ 3, 16/03/2021 | 15:07:45
6,749 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vào sáng ngày 16/3. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1703_den_het_nam_2020_mixdown.mp3

Ngày 19/8/2016, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) được thành lập với tổng số 11 thành viên với mục đích kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan. 

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm 

Sau 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ và cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; đồng thời, có 16 buổi làm việc với các cơ quan, hiệp hội. Tính chung giai đoạn 2017 - 2020, có 18.809 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã được tiếp cận, trong đó có 4.738 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương và đã trả lời, đăng tải công khai được 3.943 phản ánh, kiến nghị, đạt tỷ lệ 83,22%. 

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hơn 300 nhiệm vụ cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ hoạt động của Tổ công tác, đến cuối năm 2020, chỉ còn 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm Tổ công tác chưa thành lập.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác, đã tạo bước chuyển biến căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Công việc của đất nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều thử thách đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải dồn sức vượt qua khó khăn; chính vì thế Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Tổ công tác duy trì hoạt động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong theo dõi, đôn đốc thực hiện các công việc; tiếp tục hoàn thiện phương pháp, cách thức hoạt động, mô hình tổ chức phù hợp với chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời điểm, từng giai đoạn, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên tinh thần tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. 

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện cho Tổ công tác hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.

Minh Hương