Chủ nhật, 17/11/2024, 11:54[GMT+7]

Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ 2, 22/03/2021 | 09:20:35
903 lượt xem

Câu 40: Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?

Trả lời:

Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh); tại Ủy ban bầu cử cấp huyện (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện); tại Ủy ban bầu cử ở cấp xã (nếu tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã).

Câu 41: Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Trả lời:

Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị khởi tố bị can.
- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Câu 42: Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được không?

Trả lời:

Theo khoản 3, Điều 36 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: “Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp”.
 Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

Câu 43: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm những gì? Thời gian nộp hồ sơ ứng cử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 2, Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có:
- Đơn ứng cử;
- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
- Tiểu sử tóm tắt;
- Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
- Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Theo khoản 1, Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.

Câu 44: Việc nộp và nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 36 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015:

- Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:

+ Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia;

+ Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên;

+ Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

- Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

- Sau khi nhận và xem xét hồ sơ của những người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, nếu thấy hợp lệ theo quy định của Luật này thì Ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.

Câu 45: Vận động bầu cử là gì và phải bảo đảm những nguyên tắc gì?

Trả lời:

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

(còn nữa)

Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình



  • Từ khóa