Thứ 5, 14/11/2024, 23:38[GMT+7]

Truyền dạy nghệ thuật chèo làng Khuốc

Thứ 2, 05/04/2021 | 09:02:13
1,387 lượt xem
“Chỉ sợ một ngày, chèo làng Khuốc không còn giữ được chất riêng, không còn giữ được cái hồn cốt vốn có mà chỉ là hoạt động phong trào nên các nghệ nhân dù tuổi đều đã cao nhưng đang nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ, trước hết là các cháu nhỏ trong làng, trong xã, rồi con em ở các địa phương khác...”.

Nhiều em nhỏ của làng Khuốc đã tự tin thể hiện những trích đoạn chèo cổ.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Ro bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như thế, ngay sau khi ông vừa biểu diễn trên sân khấu trích đoạn chèo cổ “Lão say”. Dáng người gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, nước da đen sạm, đôi bàn tay chai sần nhưng cứ nhắc đến chèo, là trước mắt tôi như không còn hình ảnh của một lão nông, thay vào đó là hình ảnh người nghệ nhân với cả tấm lòng nhiệt huyết giữ truyền nghiệp tổ. 

Tháng 12/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND xã Phong Châu (Đông Hưng) tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật chèo làng Khuốc với giảng viên chính là các nghệ nhân trong làng, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Ro, học viên là con em của làng Khuốc. Được tài trợ về trang phục biểu diễn, thiết bị âm thanh, 30 em nhỏ say sưa học hát, học múa, được các ông, các bà giảng giải về những tích chèo cổ... Chỉ sau hơn 1 tháng, nhiều em đã tự tin biểu diễn trên sân khấu những trích đoạn khó như “Thị Màu lên chùa”. 

Ông Ro tâm sự: Người làng Khuốc ai cũng yêu chèo, ai cũng mê chèo. Nhưng cuộc sống càng phát triển, càng nhiều loại hình nghệ thuật thu hút người trẻ, cộng với nỗi lo cơm áo cũng khiến con người cuốn vào guồng quay tất bật, người thì đi công nhân, người lại làm ăn xa nhà thành ra lực lượng chính của đội chèo toàn là những người cao tuổi, giờ có thêm các cháu nhỏ. Các nghệ nhân trong làng chung tay dựng bài, ghi chép lại những tích chèo cổ, đến ngày nghỉ, cuối tuần, nhất là trong dịp hè, nhà thờ tổ chèo làng Khuốc lại rộn ràng tiếng hát, điệu múa. 

Ông Ro cười bảo: Con cháu sinh ra trên mảnh đất làng Khuốc - một trong bảy nôi chèo của đất Việt, vậy mà không biết hát chèo, diễn chèo thì buồn lắm! Nghệ thuật chèo không thể bảo tồn chỉ qua việc quay những thước phim thật đẹp rồi cất vào tủ kính mà phải giữ gìn bằng con người, bằng tình yêu nối từ đời này qua đời khác...

Bền bỉ từng ngày, qua lớp học, các em nhỏ hiểu được những sáng tạo nghệ thuật mà người làng Khuốc đã có từ bao đời nay. Và cũng để hiểu rằng, từ sân khấu dân gian, chiếng chèo làng Khuốc đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến. Sự hóm hỉnh trong ngôn ngữ, câu từ của nghệ thuật sân khấu chèo, sự độc đáo của chèo cứ thế đến gần hơn với thế hệ trẻ…

Hiểu được chèo đã khó nhưng diễn chèo càng khó hơn, đòi hỏi quá trình nỗ lực từng ngày. Cùng với đó, người thầy cũng phải quan tâm, uốn nắn từng cử chỉ, động tác, điệu bộ của diễn viên cho phù hợp với vai diễn. 

Bà Cao Thị Bấc, người đã có nhiều năm gắn bó với việc truyền dạy chèo làng Khuốc chia sẻ: Trước khi đến với chèo, lại là chèo cổ, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng không phù hợp với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, chỉ sau một vài buổi được các ông, các bà truyền dạy, hiểu hơn về từng câu chữ được sử dụng trong các bài chèo, rồi hiểu cả về những tích chèo cổ, các cháu mới thấy rằng tuy đã ra đời từ rất lâu rồi nhưng từng vở chèo cổ vẫn mang ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống ngày nay, hướng con người ta đến những điều tốt đẹp, đến chân - thiện - mỹ. Đó là giá trị cốt lõi không thay đổi dù cuộc sống có biến thiên từng ngày. Tại làng Khuốc, có nhiều gia đình tam đại đồng đường theo nghiệp diễn chèo. Bảo tồn nghệ thuật bằng con người, đây là cách giữ chèo bền vững và lâu dài nhất.

Thanh Hằng