Chủ nhật, 10/11/2024, 15:12[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa IV (1971 - 1975)

Thứ 5, 08/04/2021 | 08:25:16
4,880 lượt xem
Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, kiên trì và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, là Quốc hội khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, chuẩn bị đưa đất nước bước vào thời kỳ mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Đăng Khoa (người thứ hai bên phải) thăm Bộ đội Phòng không bảo vệ Hà Nội, ngày 14/2/1972. Ảnh tư liệu

Quốc hội khóa IV bầu cử ngày 11/4/1971 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 98,88%, bầu 420 đại biểu. Về cơ cấu thành phần Quốc hội: công nhân 22,3%, nông dân 21,4%, trí thức 17,1%, đảng viên 75,4%, cán bộ chính trị 24,05%, dân tộc thiểu số 17,3%, quân đội 6,4%, phụ nữ 29,7%, thanh niên 19,5%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 17 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết và Ban Thư ký gồm 6 thành viên. Quốc hội thành lập các ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Thống nhất, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa - Xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ của kỳ Quốc hội trước, Quốc hội khóa IV tiếp tục động viên quân và dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Ở miền Nam tăng cường đấu tranh giải phóng dân tộc, ở miền Bắc kiên trì bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội khóa IV họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên, đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách, góp phần củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Quốc hội hoan nghênh và thông qua nghị quyết về việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Quốc hội đã thông qua những biện pháp đấu tranh để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định. Đồng thời, Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng của Nhà nước ta nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, ổn định đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng; tiếp tục sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hoạt động của Quốc hội khóa IV góp phần tạo thêm sức mạnh cho nhân dân ta thực hiện chiến lược tiến công, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975, đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa IV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 24 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, cùng với thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ do nhân dân giao phó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cùng với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,  cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng.

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày