Thứ 5, 14/11/2024, 11:16[GMT+7]

EU thúc đẩy hộ chiếu vắc xin để mở cửa du lịch hè 2021

Thứ 5, 15/04/2021 | 08:48:51
2,089 lượt xem
Tính đến 6h ngày 15/4, toàn thế giới có 138.802.983 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.984.286 trường hợp tử vong và 111.594.405 bệnh nhân đã hồi phục.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) ở London (Anh) vào ngày 31-3. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo CNN, Tiến sĩ Carissa Etienne, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia nên tiếp tục sử dụng vắc xin do hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, cũng như các loại vắc xin được WHO cho phép. Theo Tiến sĩ C.Etienne, gần 200 triệu người trên thế giới đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford và các báo cáo về tác dụng phụ là rất hiếm... 

Châu Âu

Ngày 14/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc đẩy việc bàn giao vắc xin Pfizer/BioNTech để bù vào lượng vắc xin của hãng Johnson & Johnson bị hoãn bàn giao. Dự kiến tổng số liều vắc xin của Pfizer/BioNTech được bàn giao cho châu Âu trong quý II sẽ là 250 triệu liều, đáp ứng hơn 50% tổng số liều được tiêm trong quý này. Đây là động thái bảo đảm nhu cầu vắc xin trong dài hạn nhằm ngăn chặn sự phát triển của các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Reuters dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết, các nước EU đã nhất trí triển khai sáng kiến hộ chiếu vắc xin để hướng tới mở cửa trở lại ngành du lịch vào mùa hè. Chi tiết sáng kiến này sẽ được thảo luận với Nghị viện châu Âu (EP) trong tháng 5. 

Theo sáng kiến hộ chiếu vắc xin được công bố trước đó, những người có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin, từng phục hồi sau khi mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 sẽ được phép đi lại dễ dàng giữa các nước EU. 

Các nước EU cũng nhất trí chống phân biệt đối xử với những người không thể tiêm hoặc không có nguyện vọng tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. 

Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết, Tây Ban Nha đã nhận được 146.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson và sẽ sử dụng chúng trong các mũi tiêm ngay sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt tính an toàn của vắc xin này.

Ngày 14/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sẽ gia hạn thêm 3 tháng đối với các biện pháp nhằm bảo vệ nhóm đối tượng được cho là dễ bị tổn thương do tác động về kinh tế của đại dịch Covid-19, cụ thể là những người phải đi thuê nhà. Những người này sẽ không bị tăng giá thuê nhà, không bị chấm dứt hợp đồng thuê nhà và có thể xin tạm hoãn hoặc cắt giảm một phần tiền thuê nhà. 

Thủ đô Kiev của Ukraine sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 30-4 sau khi số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 hằng ngày tiếp tục gia tăng, bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt từ tháng 3. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko bày tỏ lo ngại, nếu không đưa ra quyết định này, hệ thống y tế sẽ bị quá tải và từ đó làm tăng thêm số ca tử vong do Covid-19. Kiev hiện ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm mới và hơn 40 trường hợp tử vong mỗi ngày do dịch. 

Truyền thông Cộng hòa Séc đưa tin, Đức sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới thường xuyên với nước này, vốn được áp dụng từ ngày 14/2 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Châu Á

Ngày 14/4, Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ hủy bỏ kỳ thi lớp 10 và hoãn kỳ thi lớp 12 do số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Cụ thể, Bộ Giáo dục Ấn Độ thông báo, kỳ thi lớp 10 dự kiến diễn ra từ ngày 4-5 đến 14-6 sẽ được hủy bỏ, còn kết quả sẽ được xếp theo tiêu chí do bộ này đề ra. Kỳ thi lớp 12 dự kiến cũng diễn ra trong thời gian trên sẽ được hoãn lại và tổ chức sau. 

Ấn Độ đang chứng kiến số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh. Ngày 14-4, nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục khi có thêm tới 184.372 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ngày 14/4, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu có hiệu lực tại Bangladesh nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới. Trong 8 ngày áp đặt lệnh phong tỏa, người dân chỉ được phép ra ngoài mua thuốc men, thực phẩm hoặc trong các trường hợp khẩn cấp.

Châu Mỹ

Theo các nhà khoa học, biến chủng P1 của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Brazil và là nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm mới ở nước này, đang đột biến khiến nó tránh được các kháng thể tốt hơn. Những thay đổi của biến chủng này có thể khiến vi rút tăng khả năng kháng vắc xin, gây ảnh hưởng tới mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch ở quốc gia đông dân nhất khu vực Mỹ Latinh này.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày