Thứ 7, 23/11/2024, 21:45[GMT+7]

Thủ tướng Đức sẽ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca

Thứ 6, 16/04/2021 | 08:41:51
2,669 lượt xem
Đến 6h ngày 16/4, thế giới ghi nhận 139.620.702 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.997.689 trường hợp tử vong, 118.625.099 người đã bình phục.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Châu Âu

Theo Cơ quan phòng, chống dịch bệnh Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel (66 tuổi) sẽ tiêm vắc xin Covid-19 liều đầu tiên trong ngày thứ sáu (theo giờ Đức), là loại do AstraZeneca sản xuất. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge tái khẳng định lợi ích của việc tiêm vắc xin AstraZeneca vẫn lớn hơn so với những rủi ro. 

Ông H.Kluge nêu rõ, vắc xin AstraZeneca mang lại hiệu quả trong giảm số ca nhập viện do Covid-19 và ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng dẫn tới tử vong; khẳng định WHO khuyến nghị tiêm vắc xin này càng sớm càng tốt cho những người trưởng thành nhằm tăng sức đề kháng đối với SARS-CoV-2. 

Cũng theo số liệu của WHO, 171 triệu liều thuộc 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm xong ở châu Âu. Tới nay, gần 13% dân số Lục địa già đã được tiêm một mũi vắc xin, gần 6% đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Chính phủ Đức đang tìm cách thúc đẩy các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ ba trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Y tế nước này Jens Spahn hối thúc chính quyền 16 bang chủ động tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm nhanh chóng kiềm chế dịch Covid-19 lây lan, thay vì chờ đợi để áp đặt các biện pháp được chính phủ thông qua.

Tại Anh, Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon đã nhận được liều vắc xin Covid-19 đầu tiên, cũng là loại do AstraZeneca sản xuất. Phát biểu sau khi tiêm, bà N.Sturgeon khẳng định, vắc xin sẽ giúp tăng sức đề kháng và kêu gọi người dân đi tiêm phòng sớm nhất có thể. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Anh tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm tại mọi khu vực. 

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp đã vượt mốc 100.000. Quốc gia 67 triệu dân hiện là nước thứ tám trên toàn cầu và là nước thứ ba tại châu Âu (sau Anh và Italia) có số người thiệt mạng vì đại dịch vượt qua ngưỡng 6 chữ số. 

Ireland có kế hoạch nới lỏng các hạn chế do tình hình dịch bệnh được cải thiện đáng kể. Từ ngày 4-5, nước này sẽ cho phép các cửa hàng bán lẻ, một số cửa hàng dịch vụ được mở cửa trở lại và từng bước triển khai kế hoạch mở cửa rộng hơn trong tháng 6 và tháng 7. Trong tuần này, Ireland cũng đã cho phép sinh viên quay trở lại trường học và dần nới lỏng hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. 

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa cho biết, hầu hết các khu vực của nước này sẽ bước vào giai đoạn ba của việc nới lỏng các quy định phong tỏa phòng dịch kể từ đầu tuần tới, trừ một số vùng có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. 

Ba Lan bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) kể từ ngày 15-4 (giờ địa phương). 

Châu Á 

Ấn Độ là điểm nóng về dịch của khu vực, với số ca mắc mới Covid-19 theo ngày đã tăng gấp đôi chỉ sau 10 ngày. Đến nay, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã ghi nhận 14.287.740 ca bệnh, trong đó trong 24 giờ qua đã có 216.850 ca nhiễm mới. 

Ấn Độ thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô New Delhi vào cuối tuần này nhằm khống chế dịch Covid-19. Theo đó, các trung tâm thương mại, phòng tập thể thao, dịch vụ ăn uống phục vụ tại nhà hàng... sẽ phải ngừng hoạt động.

Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao ở nhiều tỉnh, thành. Tỉnh Osaka ghi nhận 1.208 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay; thủ đô Tokyo với 729 ca, cao nhất kể từ ngày 4-2 - thời điểm thành phố này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhật Bản dự định sẽ cho phép chính quyền 3 tỉnh Saitama, Kanagawa và Aichi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào tuần tới cùng với 6 tỉnh, thành đã triển khai các biện pháp này. Trước diễn biến dịch phức tạp, một thành viên cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho biết, việc hủy bỏ Olympic Tokyo “vẫn là một lựa chọn”.   

Tại Đông Nam Á, chính quyền thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã quyết định đóng cửa 14 ngày tất cả các nhà máy để ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 lây lan.

Trong khi đó, tại Malaysia, do số ca nhiễm mới tăng mạnh trong hai tuần qua, 7/10 quận thuộc bang Kelantan ở Malaysia sẽ phải thực hiện trở lại Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 16 đến 29-4. Trong thời gian áp đặt MCO, giữa các quận thuộc Kelantan và ranh giới Kelantan với các bang khác sẽ được thiết lập chướng ngại vật, tất cả các hoạt động kinh tế thương mại đều phải được cấp phép mới được vận hành. Hiện nay, một số địa phương ở Malaysia thực hiện lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO), còn lại là lệnh hạn chế di chuyển cho giai đoạn phục hồi (RMCO).

Indonesia thông báo đặt mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 70 triệu người đến tháng 7 tới. Chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của Indonesia đang bước vào giai đoạn hai, hướng đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm, công chức, viên chức, người già và tiểu thương tại các khu chợ. Theo giới chức Indonesia, nước này đứng thứ chín trên thế giới về lượng vắc xin đã được tiêm chủng cho người dân, và đứng thứ tư trong nhóm các nước không sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.

Tại Trung Quốc, chính quyền Hong Kong thông báo sẽ mở rộng phạm vi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sang nhóm đối tượng từ 16 đến 29 tuổi, qua đó tăng số người đủ điều kiện tiêm phòng ở vùng lãnh thổ này lên 6,5 triệu người. 

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19, với 32.216.702 ca bệnh, trong đó 578.946 người tử vong. Xứ Cờ hoa đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho việc tiêm liều thứ hai vắc xin ngừa Covid-19 - vốn là bắt buộc trong khoảng thời gian từ 9 đến 12 tháng sau liều đầu tiên. 

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày