Chủ nhật, 17/11/2024, 15:48[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa XII (2007 - 2011)

Thứ 6, 16/04/2021 | 09:13:22
7,177 lượt xem
Quốc hội khóa XII với 493 đại biểu được bầu ngày 20/5/2007. Cơ cấu, thành phần của Quốc hội gồm: Trung ương 31,03%, địa phương 68,97%, dân tộc thiểu số 17,65%, phụ nữ 25,76%, đại biểu khóa XI tái cử 27,59%, đại biểu tự ứng cử 0,20%, đại biểu trẻ tuổi 13,79%, đại biểu có trình độ đại học và trên đại học 95,94%, đại biểu thuộc khối doanh nghiệp 4,26%, tôn giáo 2,84%. Đây là khóa Quốc hội tiếp tục đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại kỳ họp Quốc hội khóa XII. Ảnh tư liệu

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII diễn ra ngay sau hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kỳ họp đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 18 thành viên do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính và Ngân sách; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc là: Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện nghiên cứu pháp luật.

So với nhiệm kỳ trước, số lượng ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng, số lượng đại biểu chuyên trách từ 120 đại biểu (khóa XI) tăng lên 145 đại biểu (khóa XII), tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII rút ngắn thời gian hoạt động còn 4 năm (2007 - 2011) để phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng và nhiệm kỳ HĐND các cấp. Mặc dù quỹ thời gian ít hơn so với nhiệm kỳ khóa XI nhưng những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XII là đáng ghi nhận, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Trong 4 năm, qua 9 kỳ họp, Quốc hội khóa XII đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có quy phạm pháp luật.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố và mở rộng. Việc Quốc hội nước ta đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31); được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2010 - 2011; đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 đã đánh dấu sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta.

Quốc hội khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 9 đại biểu. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức được gần 30 buổi hội thảo với trên 350 ý kiến đóng góp, tham gia vào 27 dự án luật. Các đại biểu trong Đoàn đã đóng góp 208 ý kiến tham gia vào các dự án luật tại các kỳ họp Quốc hội; 88 ý kiến tham gia đóng góp vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quyết định chủ trương, chính sách lớn của đất nước. Cũng trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 15 cuộc giám sát, khảo sát tại 74 cơ quan, đơn vị, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm. Qua giám sát, Đoàn đã có 93 kiến nghị yêu cầu, trong đó có 35 kiến nghị đã được xem xét, giải quyết. Hoạt động giám sát tại các kỳ họp Quốc hội cũng được các đại biểu gắn với phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình của địa phương để chất vấn. Tại các kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã thực hiện 34 ý kiến chất vấn, nhiều ý kiến đã được tiếp thu, giải quyết và ban hành thành chính sách của Nhà nước. Các hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội được tổ chức đồng thời ở 8 huyện, thành phố. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri 14 lần với 156 cuộc ở 934 lượt xã, phường, thị trấn, thôn, cơ quan với trên 24.000 lượt cử tri tham dự; đã tiếp thu, tổng hợp trên 700 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng và cổ vũ các phong trào của địa phương như: nhận phụng dưỡng  mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn... Những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời thường xuyên tham gia góp ý để hoạt động của Đoàn ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)