Thứ 7, 16/11/2024, 10:37[GMT+7]

Nhớ ngày Giỗ Tổ

Thứ 3, 20/04/2021 | 09:09:38
31,708 lượt xem
Trên khắp dải đất hình S, từ bao đời nay đã lưu truyền câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Ngày mùng mười tháng ba âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ để nhắc nhở mỗi người về công đức lớn lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954, trước khi cùng Đại đoàn quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lễ rước kiệu là một trong những nghi lễ chính thức trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, đời nối đời thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến tháng ba, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức về Giỗ Tổ Hùng Vương, về với lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Không chỉ tại tỉnh Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Vua Hùng như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... đều tổ chức lễ Giỗ Tổ vào ngày mùng mười tháng ba hàng năm để tưởng nhớ, tri ân công lao của các Vua Hùng.

Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ vì chúng ta có thêm một di sản văn hóa được thế giới vinh danh mà điều đặc biệt hơn cả là qua đây người dân trên khắp thế giới hiểu biết thêm về nền văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam, hiểu được sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, điều đã giúp Việt Nam chiến thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh và ngày nay đang xây dựng đất nước trên đà phát triển.

Thời đại Hùng Vương là thời đại xây dựng nên nền móng của nước Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về thời kỳ này. Đó là những câu chuyện rất thân thuộc như truyền thuyết: “Lạc Long Quân - Âu Cơ”, “Thánh Gióng”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Cùng với những truyền thuyết ấy, các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy đã chứng minh các Vua Hùng đã có công dựng nước, dạy dân cấy lúa, khai sáng nghề nông. Thời kỳ Hùng Vương được ngợi ca là thời kỳ đỉnh cao của xã hội khi ấy bởi nhân dân sống trong no đủ, thuần hậu, cùng gìn giữ lệ làng, phép nước. 18 đời Vua Hùng đã gây dựng nên truyền thống văn hóa, văn hiến tốt đẹp, ăn sâu bám rễ trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Bởi vậy, dân tộc Việt Nam không dễ gì bị đồng hóa dù trải qua hơn một nghìn năm bắc thuộc vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói, phong tục, tập quán...

Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn trong năm, thu hút hàng triệu người tham gia. Trong ngày này, phần lễ được cử hành rất trọng thể mang tính Quốc lễ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phần hội thường có hội trại văn hóa, cuộc thi kiệu của các làng xung quanh, các đám rước linh đình…, không khí lễ hội rất tưng bừng náo nhiệt. Trong lễ hội Đền Hùng, nhân ngày Giỗ Tổ còn tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát xoan) - một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Dân gian truyền rằng hát xoan xưa kia gọi là hát xuân và có từ thời Hùng Vương, được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng.

Năm nay, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, sẽ không tổ chức các hoạt động phần hội và chỉ tổ chức một số nội dung quan trọng của phần lễ tại quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đó, lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức ngày 17/4 (ngày 6/3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày Giỗ Tổ và lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong” được tổ chức vào ngày 21/4 (ngày 10/3 âm lịch)…

Lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy.

Là hoạt động văn hóa nổi bật, diễn ra thường niên mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng, năm nay, hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ diễn ra vào ngày 8/3 âm lịch. 13 đội thi đến từ tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ nỗ lực tranh tài bởi 2 đội đạt giải nhất thi gói, nấu bánh chưng và thi giã bánh giầy sẽ được dâng bánh chưng, bánh giầy lên tổ tiên trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là hoạt động nhằm tái hiện các cuộc thi làm lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương dựng nước, đồng thời qua đó góp phần giáo dục ý thức, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”…

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp với Hiệp hội Lữ hành Hà Nội tổ chức tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn - linh thiêng Đất Tổ”. Dù có thể trở về dâng hương các Vua Hùng trong mùa lễ hội năm nay hay không nhưng hàng triệu người con đất Việt đều hướng về quê cha đất Tổ, cùng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tú Anh

  • Từ khóa