Chủ nhật, 24/11/2024, 16:40[GMT+7]

Nông thôn mới Đồng Nai bứt phá ngoạn mục

Thứ 5, 29/04/2021 | 20:30:51
1,892 lượt xem
Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng và coi đây là động lực để phát triển toàn diện, bền vững.

Đồng Nai đang tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Là địa phương có nền công nghiệp phát triển nhất nhì cả nước, hiện nay, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng chưa tới 10% kinh tế của tỉnh, nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng và coi đây là động lực để phát triển toàn diện, bền vững. Quyết tâm đi trước - về trước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị và người dân nơi đây đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Do đó, sẽ là vô cùng khập khiễng nếu đem so sánh bức tranh nông thôn Đồng Nai hôm nay với thời điểm mới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hào khí “thần tốc” của chiến dịch 30/4/1975 vẫn như mệnh lệnh cổ vũ cán bộ, nhân dân vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” làm nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới và đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xuân Lộc - huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước

Để minh chứng cho bức tranh khởi sắc ấn tượng của nông thôn Đồng Nai, những ngày cuối tháng Tư lịch sử này, tác giả bài viết đặt chân đến mảnh đất Xuân Lộc - địa danh hai lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Nếu như cách đây 46 năm, cả nước biết đến Xuân Lộc là “cánh cửa thép” cuối cùng của Mỹ ngụy ở phía đông bắc Sài Gòn đã bị quân dân ta đập tan sau trận đánh ác liệt kéo dài 12 ngày đêm, mở đường cho đại quân thẳng tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thì nay cũng chính nơi đây được xem là hình mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Không cần tính độ lùi thời gian xa hơn, chỉ nhìn lại 20 năm về trước, kinh tế huyện thuần nông Xuân Lộc vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và có tới hơn 20% dân số địa phương thuộc diện đói nghèo. Xác định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng và cũng từ đây, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này được khẳng định qua tổng nguồn vốn đầu tư của huyện cho vùng nông thôn trong mười năm qua lên đến hơn 23 nghìn tỷ đồng, trong số này nhân dân đóng góp hơn 90%.

Nhờ đó, nông nghiệp, nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc: Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; sản xuất nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao; thu nhập bình quân đầu người ở một số xã phát triển nhanh hiện đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm.

Trên bước đường tiên phong, dấu ấn đậm nét là năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đà thành công này, năm 2018, Xuân Lộc vinh dự được Trung ương chọn là một trong bốn huyện của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, xã Bảo Hòa đã sớm được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và toàn huyện có 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo ông Viên Hồng Tiến - Bí thư Huyện ủy thì, mục tiêu phấn đấu của Xuân Lộc là cán đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. 

Xuân Lộc chính là điển hình cho sự chuyển mình mạnh mẽ của khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Nông thôn Đồng Nai căng tràn sức sống

Trước giải phóng, người nông dân Đồng Nai luôn gắn liền với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, lao động dùng sức người là chính, sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, đời sống thiếu trước hụt sau, không ít bà con phải ăn củ mài, củ chụp, bo bo cầm hơi qua ngày. 

Năm 1976, Đại hội Đảng bộ Tỉnh Đồng Nai lần thứ I đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng khai hoang phục hóa mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, tổ chức định canh định cư, xây dựng các công trình thủy lợi.

Được tiếp sức dưới ánh sáng đường lối đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đại hội lần thứ IV Đảng bộ tỉnh vào tháng 10-1986 đã mạnh dạn xác định: “phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu”. Suốt 35 năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã tiến một bước rất dài theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, với hơn 56.000 ha được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm đã đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này. Tỷ lệ bình quân các khâu cơ giới hóa trên cây trồng toàn tỉnh đạt khoảng 84%.

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao được năng suất, chất lượng các loại cây trồng – vật nuôi. Chẳng hạn, năng suất ngô từ chỗ hơn 1 tấn, nay tăng lên 7-10 tấn/ha; chăn nuôi hiện đứng đầu cả nước với tổng đàn gia súc gần 2 triệu con và tổng đàn gia cầm gần 24 triệu con. Đáng chú ý, lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi đúng hướng, khi ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang sản xuất theo hướng VietGAP, liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi để hướng đến thị trường xuất khẩu. 

So với những năm đầu giải phóng, nông dân Đồng Nai ngày nay có đời sống sung túc, no đủ hơn nhiều lần.

Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới những năm gần đây tạo nên cú hích làm thay da đổi thịt hoàn toàn bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân nâng lên rõ rệt. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một hec-ta đất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt hơn 228 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt hơn 59 triệu đồng/người/năm, tăng trên 19 triệu đồng so với cách đây 5 năm. Tổng vốn đầu tư cho nông thôn mới toàn tỉnh đến nay đạt tới gần 377.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm 11,12%, còn lại nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp.

Ông Đào Xuân Tiến – nông dân ấp Cây Da - xã Bình Lộc - Thành phố Long Khánh chia sẻ: Tôi vào vùng kinh tế mới ngay những ngày đầu sau giải phóng, mưu sinh hàng ngày gắn liền với vườn rẫy từ đó đến nay. Những ngày mới vào đây lập nghiệp không điện, không đường, không trường, không trạm. Nay thì chính tôi cũng không mơ được, không thể ngờ được địa phương lại biến thành vùng du lịch sinh thái nhộn nhịp. Bà con không muốn đi đâu cả vì đây thực là một nơi rất đáng sống. 

Nhờ những quyết sách táo bạo, đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, tinh thần đồng lòng, chung sức của nhân dân, Đồng Nai trở thành điểm sáng là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho thành tích này.

Với thành tựu đáng khích lệ đó, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 51/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt tỷ lệ 42,1%. Sau khi xã Bình Lợi ( huyện Vĩnh Cửu) được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở khu vực phía Nam, tỉnh vừa có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Bình Lộc (TP. Long Khánh), Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) và Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ).

Nhất quán phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, hướng đến mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu chung, trong đó có nội hàm: Đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 25% số xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hiện thực hóa, Đảng bộ tỉnh quyết tâm tạo  đột phá ở lĩnh vực tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Từng địa phương trong tỉnh đang chủ động, tích cực phát huy thế mạnh riêng, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn giàu có, văn minh và hiện đại nhằm phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người dân khu vực này đạt mức 77 triệu đồng/người/năm trong tương lai gần. Và dấu mốc chiến thắng 30/4 lịch sử cách đây 46 năm vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần, thôi thúc người Đồng Nai làm nên một cuộc kiến tạo mới ở vùng nông thôn, cũng là mở ra bao vận hội phía trước cho bà con nông dân./.

Theo phapluatplus.vn