Thứ 7, 16/11/2024, 02:13[GMT+7]

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ không ngừng tăng

Thứ 6, 30/04/2021 | 10:18:03
1,910 lượt xem
Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 30/4, toàn thế giới đã ghi nhận 151.081.327 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 3.177.692 ca tử vong.

Người dân ngồi chờ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Mumbai, Ấn Độ ngày 29/4.

Châu Á

Ấn Độ, nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới, đang là "tâm chấn" mới của đại dịch Covid-19. Với 379.257 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 29/4, mức cao nhất từ trước tới nay, tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này đã vượt 18 triệu ca. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 3.654 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người và đây cũng là mức cao kỷ lục mới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ấn Độ chiếm tới 38% tổng số ca mắc mới, tương đương 2.172.063 ca, được ghi nhận chỉ trong 7 ngày kết thúc vào ngày 25/4. Sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ được cho chủ yếu do sự xuất hiện của biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có tên B.1.617. Biến chủng này chứa hai đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R, có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng mới khác tại Ấn Độ.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến đáng lo ngại, khi ghi nhận thêm 880 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới của nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng lo ngại, có tới gần 2.000 công nhân thuộc 206 nhà máy tại nước này đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong khi hơn 17.000 người khác phải thực hiện cách ly.

Cùng ngày, Lào thông báo ghi nhận 68 ca mắc mới Covid-19 tại 8 tỉnh/thành trên cả nước. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có số người mắc mới cao nhất với 34 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak ghi nhận 11 ca, Bokeo 10 ca, Luang Prang 8 ca...

Trước tình hình trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã ra thông báo về tình hình dịch bệnh và việc làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán. Theo đó, Đại sứ quán tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Lào trong thời gian Lào áp dụng lệnh phong tỏa không nên rời khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, tất cả người Việt tại Lào cần tự giác khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng Lào trong việc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 khi được yêu cầu.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 theo ngày ở Thái Lan đã giảm xuống dưới 2.000 ca trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh này vẫn ở mức hai con số.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Malaysia đã quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại 9 địa phương thuộc 3 bang ở nước này trong 14 ngày, từ ngày 29/4 đến 12/5.

Dịch bệnh hiện cũng đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản khi tổng số ca mắc mới tại nước này ở mức cao nhất trong 3 tháng, với 5.793 ca. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.027 ca mắc mới Covid-19 - mức cao nhất trong 3 tháng qua. Từ đầu tuần này, thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đáng lo ngại, các chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhận định, các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 đang thay thế vi rút ban đầu trên khắp nước này.

Châu Âu

Ngày 29/4, WHO đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ. Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho rằng, các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các làn sóng lây nhiễm mới.

Cùng ngày, số ca nhiễm mới ở thủ đô Mátxcơva (Nga) đã tăng tới 75% lên tới 3.215 ca nhiễm mới. Cuộc sống ở thủ đô Mátxcơva đã trở lại bình thường kể từ tháng 1 vừa qua khi nhà chức trách dỡ bỏ các hạn chế đối với nhân viên văn phòng, cho phép các quán bar và nhà hàng mở cửa xuyên đêm. Với tổng số gần 4,8 triệu ca mắc, hiện Nga có số ca mắc cao thứ năm thế giới.

Tuy nhiên, một số nước trong châu lục, trong đó có Ireland và Pháp, đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế. Cụ thể, Ireland sẽ mở cửa các khách sạn vào ngày 2/6, trong khi các nhà hàng được phép phục vụ khách ở khu vực ngoài trời từ ngày 7/6.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, chính phủ nước này sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm, theo đó giờ giới nghiêm bắt đầu từ 19h00 như hiện nay sẽ được chuyển sang thành 21h00 từ ngày 19/5 và sau đó là 23h00 từ ngày 9/6. Đến ngày 30/6, lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, từ ngày 19/5, các nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ được phép mở cửa trở lại ở khu vực ngoài trời. Từ ngày 9/6, các du khách nước ngoài có giấy chứng nhận y tế sẽ được phép vào lại Pháp.

Bộ Y tế Liên bang Đức ngày 29/4 cho biết, nước này lần đầu tiên đạt mức tiêm chủng cao kỷ lục khi tiến hành tiêm chủng được trên 1% dân số chỉ trong một ngày.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo, nước này đã đạt mức tiêm chủng gần 1,1 triệu liều trong tổng dân số trên 83 triệu người và hiện 25,9% dân số, tương ứng với hơn 21,5 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Trong khi đó, nhằm hỗ trợ Ấn Độ vượt qua những khó khăn hiện nay, cùng ngày, ông Jens Spahn cho biết, nước này sẽ vận chuyển số dược phẩm và thiết bị y tế, trị giá khoảng 50 triệu euro (60,5 triệu USD) tới Ấn Độ. Trong số này có 120 máy thở, khẩu trang và thuốc men, bao gồm cả thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir. Dự kiến, máy bay của không quân Đức sẽ lên đường ngày 1-5 để chuyển số hàng viện trợ tới Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ.

Châu Mỹ

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến đáng lo ngại tại Ấn Độ, Mỹ đã cho phép thân nhân các nhân viên chính phủ làm việc tại Ấn Độ tự nguyện trở về nước. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29-4, biện pháp trên đã được thông qua một ngày trước đó. Thông báo nêu rõ công dân Mỹ muốn rời khỏi Ấn Độ cần sử dụng máy bay thương mại, đồng thời nhắc lại khuyến cáo công dân nước này không nên đến Ấn Độ.

Trong 24 giờ qua, Cuba có thêm 988 ca mắc mới Covid-19 và 10 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có hơn 90% là do lây nhiễm trong cộng đồng và một nửa trong số này là ở thủ đô La Habana. Theo kế hoạch, Cuba sẽ cho triển khai chiến dịch tiêm phòng đại trà ở thủ đô La Habana từ tháng 5 tới đây, với hai loại vắc xin được sản xuất trong nước.

Theo hanoimoi.com.vn