Thứ 7, 23/11/2024, 20:10[GMT+7]

Mỹ vượt mốc hơn 100 triệu người được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 7, 01/05/2021 | 10:08:10
2,521 lượt xem
Tính đến 6h ngày 1/5, toàn thế giới có 151.971.676 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.192.130 trường hợp tử vong và 129.216.686 bệnh nhân đã hồi phục.

Người dân chờ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Nice (Pháp) vào ngày 10-4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Châu Mỹ

Ngày 30/4, Nhà Trắng thông báo, theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ hạn chế việc đi lại từ Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 4/5. Theo quy định này, người nước ngoài có mặt tại Ấn Độ trong vòng 14 ngày sẽ không được vào Mỹ. Chính sách này được thực hiện do số ca mắc Covid-19 cao và nhiều biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 đang lưu hành ở Ấn Độ.

Cùng ngày, chính quyền của Tổng thống J.Biden cũng thông báo sẽ kéo dài lệnh đeo khẩu trang trên tất cả các hệ giao thông công cộng ở nước này tới hết ngày 13/9 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ nhận định, kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ vào ngày 1/7 là một mục tiêu hợp lý, dựa trên thực tế số ca mắc Covid-19 đã giảm và tỷ lệ người dân được tiêm chủng đang tăng lên.

Theo số liệu của CDC, Mỹ đã vượt mốc hơn 100 triệu người được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19. Khoảng 43,6% dân số nước này, tương đương gần 145 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, và 30,5% dân số, tương đương hơn 101 triệu người, đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 30/4, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga đã kêu gọi các quốc gia còn dư vắc xin ngừa Covid-19 hãy chia sẻ với nước này “càng sớm càng tốt” để Brazil có thể thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của mình nhằm ngăn chặn dịch bệnh và tránh sự xuất hiện các biến chủng mới.

Theo Bộ Y tế Brazil, chỉ có khoảng 6% trong tổng số 210 triệu người Brazil đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều quốc gia láng giềng như Chile, Uruguay. Mặc dù việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 còn diễn ra tương đối chậm, Bộ trưởng M.Queiroga hy vọng người dân Brazil sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối năm nay.

Châu Âu

Ngày 30/4, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đã đề nghị Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng vắc xin do hai hãng này phối hợp phát triển cho nhóm đối tượng từ 12 đến 15 tuổi. Pfizer/BioNTech cũng cam kết sẽ có đủ lượng vắc xin để cung cấp cho nhóm đối tượng này từ tháng 6 tới.

Ngày 30/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại nước này sẽ được mở rộng cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên kể từ ngày 15/6 tới. Trên trang Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo này cho biết những người trên 50 tuổi có thể đăng ký tiêm vắc xin từ ngày 15/5. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Pháp đặt mục tiêu sớm mở cửa trở lại đất nước và kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ ba đang tấn công nước này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Chính phủ nước này có thể đưa ra quyết định vào cuối tuần tới về cách thức dỡ bỏ các hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và những người đã khỏi bệnh.

Theo số liệu của Viện Robert Koch, tính đến ngày 30-4, khoảng 27% người dân Đức đã được tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên, và 8% đã được tiêm mũi vắc xin thứ hai. 

Châu Á

Theo mô hình tính toán của một nhóm các nhà khoa học tư vấn cho Chính phủ Ấn Độ, tình hình lây lan dịch Covid-19 tại nước này có thể đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 5-5, sớm hơn một vài ngày so với ước tính trước đó bởi vi rút lây lan nhanh hơn dự kiến.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đã ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong ngày thứ chín liên tiếp, với kỷ lục 386.452 trường hợp nhiễm mới vào ngày 30-4. Sự gia tăng này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng, buộc nước này phải tìm kiếm sự trợ giúp về oxy, thuốc men và nhu yếu phẩm từ các quốc gia khác trên thế giới.

Tình hình dịch Covid-19 tại Singapore có dấu hiệu bùng phát trở lại khi nước này phát hiện thêm 2 ổ dịch mới. Ổ dịch thứ nhất liên quan tới bệnh viện Tan Tock Seng và ổ dịch thứ hai liên quan tới một nhân viên Cơ quan Kiểm soát nhập cư (ICA) làm việc tại sân bay Changi.

Chiều 30/4, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch thứ nhất trong những ngày tới. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, đảo quốc Sư tử đã siết chặt một số quy định giãn cách xã hội sau khi đã nới lỏng một phần trong thời gian qua.

Bộ Y tế Singapore thông báo kể từ ngày 2/5, nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với những du khách từng du lịch Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka trong thời gian gần đây, do sự gia tăng liên tục số ca mắc Covid-19 ở khu vực Nam Á. Lệnh cấm nhập cảnh này được áp dụng với cả những người có thị thực dài hạn và ngắn hạn. Trước đó, Singapore cũng đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Ấn Độ, khu vực đang là điểm nóng dịch Covid-19.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày