Thứ 7, 23/11/2024, 10:11[GMT+7]

Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện

Thứ 7, 18/03/2017 | 08:28:04
1,360 lượt xem
Việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện là rất cần thiết, nhằm hình thành các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, làm cơ sở hình thành và phát triển các đô thị nhỏ, là nhân tố chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, dân số đô thị chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn khi mà số lượng đô thị nhỏ và điểm dân cư tập trung trên địa bàn cấp huyện chỉ là 1,157 đô thị/huyện, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước năm 2014 đạt 33,4%, nhưng tỷ lệ này trên địa bàn cấp huyện đạt 11,10% (không bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố, các thị xã).

Hệ thống điểm dân cư nông thôn hiện nay được phát triển tự phát, cơ bản mang đặc điểm phù hợp với nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ, chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhiều vùng nông thôn thành quận, phường nhưng hạ tầng đường xá được quy hoạch và xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội.

Mặt khác, nhiều xã thành phường, nhưng vẫn làm nghề nông là chính, chưa phát triển được nền kinh tế nông thôn do quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các địa phương chưa được quán triệt sâu sắc. Vì vậy, việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện là rất cần thiết, nhằm hình thành các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, làm cơ sở hình thành và phát triển các đô thị nhỏ, là nhân tố chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2016-2020.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan đã thực hiện xây dựng Đề án, thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ VII, Ban  Chấp hành Trung ương  Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đề án xây dựng dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; do đó, cần định hướng các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa của giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn nông thôn mới với đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.

Cần định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường

Với quan điểm là xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị, tuy nhiên, Đề án cần định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Mục tiêu của Đề án là hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất phi nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 triển khai thí điểm tại 08 huyện, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá để triển khai cho giai đoạn sau 2020, triển khai nhân rộng tại các tỉnh, thành phố các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.  

Nội dung của Đề án, cần phải xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, đô thị hóa hướng tới đô thị xanh có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nguyên tắc thực hiện là phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, tránh lãng phí nguồn lực; các Bộ, ngành cần xác định được nhiệm vụ, khuôn khổ về quy hoạch phát triển cho nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; các địa phương, vùng miền có đặc điểm tự nhiên và sản xuất khác nhau nên Đề án cần triển khai thí điểm để tìm ra các hình mẫu phù hợp cho mỗi vùng (không tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới duy nhất); tính toán quy hoạch, đặt ra tỷ lệ hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo Đề án (lưu ý đến cơ cấu loại hình, thiết chế, mô hình doanh nghiệp hay sự nghiệp công); đô thị hóa trong lòng huyện (cơ cấu loại hình, chất lượng dịch vụ, hạ tầng, cơ chế miễn giảm thuế, sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu, nông nghiệp công nghệ cao), hình thành các trung tâm hỗ trợ sản xuất cho các vùng.

Về nguồn lực cho Đề án, việc thực hiện theo nguyên tắc sử dụng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách của địa phương, vốn tín dụng, doanh nghiệp và huy động sức dân; phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong cách lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện, cơ chế đất đai, quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Về tiến độ thời gian, hình thức, theo hình thức xây dựng mô hình khung thí điểm, lưu ý cách tính chọn mô hình thí điểm (huyện kiểu mẫu, xã ven đô lên phường …). Triển khai Đề án đồng bộ tại các nơi, không chờ xong mô hình thí điểm. Năm 2019 tổng kết, rút kinh nghiệm cho giai đoạn sau.

Trên cơ sở những ý kiến trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án, Dự thảo Quyết định phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017.

Theo baochinhphu.vn