Chủ nhật, 10/11/2024, 09:53[GMT+7]

Thái Bình với nước Văn Lang của các vua Hùng

Thứ 2, 20/03/2017 | 08:27:24
12,672 lượt xem
Xưa nay dã sử, truyền thuyết vẫn là nguồn tư liệu bổ sung cho chính sử. Qua một số truyền thuyết chúng ta thấy từ thời các vua Hùng, người Thái Bình đã sớm có những đóng góp vào việc bảo vệ nước Văn Lang.

Lễ hội đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (phần ngoại kỷ) ghi nhận: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (phía Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn - Chiêm Thành), chia nước làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức”. Thời Hùng Vương, đất Thái Bình thuộc bộ Lục Hải (biển xanh). Một số tài liệu viết vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX cho rằng đất Hưng Hà, Quỳnh Phụ cùng với Hưng Yên, Hải Dương thuộc bộ Thang Tuyền.

Những năm cuối thế kỷ XX không ít người còn nghi ngờ khi nghe nói đất và người Thái Bình có từ thời các vua Hùng. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2010 sách “Địa chí Thái Bình” được xuất bản, đã công bố kết quả nghiên cứu địa chất cho biết:

Thái Bình là tỉnh đồng bằng, không có đồi núi, độ cao địa hình từ 0,8m đến 2,5m so với mực nước biển. Bề mặt địa hình không lộ đá gốc (đá cứng) mà chỉ có các loại đất đá là các trầm tích trẻ bở rời được thành tạo, cổ nhất khoảng 6 nghìn năm trước đây và tiếp tục được bồi đắp cho đến ngày nay. Đá gốc là đá cứng chỉ gặp ở các lỗ khoan sâu (lỗ khoan thăm dò, lỗ khoan khai thác khí…). Địa tầng địa chất tỉnh Thái Bình từ dưới lên trên gồm 11 hệ tầng trong đó có 6 hệ tầng là đá gốc và 5 hệ tầng là đất đá bở rời, đó là: hệ tầng Phù Tiên (được hình thành cách đây 33,6 - 57,8 triệu năm); hệ tầng Đình Cao (23,6 - 33,6 triệu năm); hệ tầng Phong Châu, hệ tầng Phủ Cừ, hệ tầng Tiên Hưng (3 hệ tầng này được hình thành cách đây 5,1 - 23,6 triệu năm); hệ tầng Vĩnh Bảo (1,6 - 5,1 triệu năm); hệ tầng Lệ Chi (700 - 1.600 nghìn năm); hệ tầng Hà Nội (10 - 700.000 năm); hệ tầng Vĩnh Phúc (10 - 125.000 năm); hệ tầng Hải Hưng (3 - 10.000 năm); hệ tầng Thái Bình (3.000 năm đến ngày nay).

Cùng với kết quả nghiên cứu địa chất, các nhà nghiên cứu ở trung ương và Thái Bình đã phát hiện thêm nhiều nguồn tài liệu khảo cổ học, dân tộc học, Phonclo học cung cấp sử liệu giúp các chuyên gia sử học có thêm tài liệu quý để suy đoán, nghiên cứu và bổ sung cho những khoảng trống lịch sử, để hiệu đính các sự kiện, mở rộng thêm không gian, thời gian của đất Thái Bình thời Hùng Vương.

Nói Thái Bình có từ thời Hùng Vương nhưng không phải có ngay từ buổi đầu Hùng Vương mở nước Văn Lang. Truyền thuyết dân gian kể về hàng trăm các vị thần thời Hùng Vương được thờ ở Thái Bình chỉ có hai vị thời Hùng Vương thứ VI, một số ít thời Hùng Vương thứ XV, XVI, XVII, còn hầu hết xuất hiện vào thời Hùng Vương thứ XVIII (Hùng Duệ Vương), cách ngày nay khoảng + - 2.300 năm. 

Điều đặc biệt và cũng phù hợp với quá trình mở đất Thái Bình là các vị thần nguyên là tướng súy của các vua Hùng chỉ được thờ  ở vùng đất cổ của Thái Bình như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, một phần Đông Hưng,  Thái Thụy và Vũ Thư.

Thời Hùng Vương, các vua Hùng đều “... trong tu văn đức, ngoài phòng bị biên cương vì vậy “nước Thái Bình, thịnh trị”. Nhiều bản thần phả còn ghi nhận: “Trải hơn 2.000 năm, các vua đều là những bậc thánh hiền, ban ân trạch, ơn ấy thấm đến cốt tủy nhân dân nên nước giàu dân mạnh, trời lại thương  “đa giáng anh tài” xuống làm dân đất Việt để hộ quốc  cứu dân”. Lại nữa nước Việt ta từ ngày lập nước đã có “sơn thủy bách thần”  rất linh ứng, thường hiển linh phù trợ ... ”.

Từ thời Hùng Vương, các bậc phụ quốc công thần đều trung nghĩa thờ phụng vua. Các vị tuy đã hóa, song sự tích còn để lại, in dấu cùng sông núi, trường tồn với trăng sao.

Trong suốt chiều dài lịch sử 17 đời các vua Hùng, trải dài hơn nghìn năm “nước Thái Bình thịnh trị, dân no đủ, phong tục thuần hậu”, chỉ đến đời Hùng Vương thứ 18, khi Hùng Duệ Vương đã đến tuổi  Kỳ lão (50 - 60 tuổi), lại không có con trai nối dõi nên nhiều thế lực trong, ngoài Lạc Việt nhòm ngó ngai vàng của vua. Thấy thời cơ đã đến, các nước hợp sức cùng quân phương Bắc, phối hợp  xâm lấn nhằm thôn tính Văn Lang. Người dân Lạc Việt ở khắp mọi miền đất nước đã đứng lên kháng chiến chống giặc giữ nước. Nhiều làng xã Thái Bình khi ấy người giỏi thì làm tướng chỉ huy, người không có tài chỉ huy thì làm “gia thần thủ túc”, làm lính, đều tình nguyện đi đánh giặc.

Thần tích Làng Bảo Nguyên, tổng Quan Bế (nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà) viết: “Lúc bấy giờ vua Thục nghe thấy tuổi vua Hùng đã cao mà 20 hoàng tử đều quy tiên, không ai kế nghiệp, bèn thừa cơ phát động 50 vạn binh mã, 8.000 ngựa tốt, 3.000 chiếc thuyền chiến, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đến cửa bể Quảng Yên cướp bóc của cải chia ba thiên hạ lấy một phần”.

Vua rất lo lắng gọi con rể Tản Viên Sơn Thánh cùng với hai ông Đại Đạo tướng quân và Đại Hải tướng quân (người làng Bảo Nguyên), ban cho binh hùng 30 vạn, danh tướng 300 viên, chia làm hai đạo thủy bộ đại chiến. Nhân lúc trời mưa to, gió lớn cát bụi, đá bay, ba ông cầm quân ra đánh, quân Thục đại bại tan tác, sĩ tốt chết nhiều vô kể, với thế trúc chẻ ngói tan, uy phong bẻ cành khô, chẻ gỗ mục, một chiếc xe không về, một con ngựa không còn, bắt được ấn tín của tướng Thục. Vua Thục chạy về nước. Hai ông cùng Sơn Thánh Tản Viên dâng biểu lên vua, vua được tin cả mừng, bèn hạ chiếu gọi hai ông về, mở tiệc yến ẩm, gia phong cho công thần lớn nhỏ cao thấp khác nhau.

Làng Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ  kể về chiến công đánh Thục của Phạm Vĩnh (thần hiệu là vua cha Bát Hải đại vương): Cuối đời Hùng Duệ Vương, giặc Thục đem quân lấn cõi, lương thần võ tướng dốc lòng phò tá song không phá nổi vòng vây, liền lập đàn xin thần linh phù trợ, sắp vãn đàn bỗng thấy một vị thiên sứ cưỡi mây năm sắc, mình mặc áo vàng, tay cầm cờ vàng trực giáng bảo rằng: “Nhà vua chớ lo, Ngọc Hoàng đã cho ba hoàng tử Long vương đầu thai vào nhà họ Phạm. Hoàng cả đang ngự trang Đào Động, Hoàng hai ngụ tại Thanh Do, Hoàng ba đang ngự tại Hoa Diêm đều là hậu duệ rồng tiên tài giỏi, nếu được ba vị ấy giúp, giặc lớn sẽ yên”.

Hùng Vương cho truyền chỉ gọi ba chàng ra đánh giặc, chỉ trong vòng 10 ngày giặc đã bị đánh tan. Sau khi đánh thắng giặc trở về, người con cả  được vua phong là Trấn Tây An Tam kỳ Vĩnh Công, Bát Hải Đại Vương. Hai người em cũng được sắc phong vì đã góp sức cùng anh ra trận.

Cùng với cuộc kháng chiến chống giặc Thục ở phía Bắc, cuộc kháng chiến chống xâm lược từ phía Nam cũng đã diễn ra và không kém phần ác liệt. Thần tích làng Thượng Ngạn, xã Văn Lang ghi rằng: giặc Ô Lý ở Châu Bố Chính liên kết với bọn giặc Đại Man, Quỳnh Sơn Man, Tấn Châu Man, Liêu Động Man (cả thảy có 6 giặc Man). Bọn giặc đều giỏi phù phép, biến hóa thần thông, lại có 60 vạn binh mã, chia quân đến xâm lược nước ta. Quân giặc cờ bay rợp đất, giáo mác rợp trời, quan văn quan võ nghe tin đều sợ hãi không có kế gì hay. Vua ban hịch kêu gọi nhân dân chống giặc. Ở Tháp Khu (nay là Thượng Ngạn), Chiêu Công, Trấn Công, Uy Công và Thông Công cùng dân các họ Nguyễn, Lê, Phạm, Bùi, Đinh, Đăng, Hoàng, Đỗ, tất cả 39 người vào triều bái yết, vua cấp cho 30 vạn hùng binh, lại giao cho chiếc búa, tượng trưng cho quyền chỉ huy. Các ông bái tạ, chia quân làm 2 đạo tiến đến địa phận 16 châu, cắm trại, cho quân nghỉ 10 ngày rồi mới giao chiến. Trong lúc đánh nhau, bọn tướng giặc dùng phép yêu quái. Bỗng trời đất tối tăm, những loài hổ báo, voi tê giác và các yêu quái vây kín 30 vạn quân ở 16 châu. Quân lính và tướng sĩ đều đói cơm khát nước phải ăn rau ăn quả, uống nước lã. Quân thám mã báo về, vua Nghị Vương ngửa mặt lên trời than thở, liền cho 3 vạn quân, lại cho 16 châu chi viện. Đức Phật Đại Đạo thiên tôn và 12 vị Dương niên Hành Khiển và các phật ở Tứ phương đều cầm gậy tích trượng, đáp xuống giữa đám quân của Lục Man, chuyển tối thành sáng, phá tan đạo quân Lục Man. Vua Nghị Vương khen Đức Đại Đạo Thiên Tôn. Ngài tạ từ nhà vua rồi bay lên trời. Vua và các ông trở về Tháp Khu mổ trâu bò ăn khao cả quân và dân (ngày 12 tháng 11), lại tu sửa chùa để thờ Đức Đại Đạo Thiên Tôn, vua chuẩn y cho dân ở Tháp Khu được miễn tô thuế và tạp dịch để phụng thờ Đức Đại Đạo Thiên Tôn và khi các ông trăm tuổi cũng được thờ cúng.

Xưa nay dã sử, truyền thuyết vẫn là nguồn tư liệu bổ sung cho chính sử. Qua một số truyền thuyết trên, chúng ta thấy từ thời các vua Hùng, người Thái Bình đã sớm có những đóng góp vào việc bảo vệ nước Văn Lang.

Phạm Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)




Vũ ngọc Doanh - 8 năm trước

Có phải tác giả Phạm Minh Đức là đồng tác giả của cuốn "ĐẤT VÀ NGƯƠI THÁI BÌNH" ? Tôi muốn được trao đổ thêm về Các Thành Hoang Vũ Văn Uyên tại làng Lục Linh

Vũ Ngọc Doanh - 8 năm trước

Bài viết hay, những tư liệu đưa ra rất quý. Sưu tầm thêm. đăng tải những ảnh về các di vật, văn tự cổ của những nơi di sản này,Gửi lên cà Fb cho nhiều đọc

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày