Chủ nhật, 24/11/2024, 00:04[GMT+7]

Chị Hằng làm kinh tế VAC giỏi

Thứ 2, 20/03/2017 | 08:28:41
1,677 lượt xem
Đứng trước khu trang trại rộng hơn 1ha cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng mỗi năm, ít ai biết rằng chị Vũ Thị Hằng ở thôn Hống, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã từng nhiều lần từ tay trắng làm nên.

Đàn vịt 2.000 con của chị Hằng được tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, đúng thời điểm.

Năm 1996, cả gia đình chị Hằng bồng bế nhau ra khu ruộng cạnh chân đê sông Hóa để bắt tay làm chuyển đổi. Nhận thấy chân ruộng trũng, hai bên ruộng được bao bọc bởi sông Hóa và con mương nhỏ, sẵn đầu cấp nước vào và đầu thoát nước ra tự nhiên nên chị bàn với chồng làm mô hình cá - lúa, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cho cá vừa giảm bớt chi phí đầu tư lại nâng cao được thu nhập. 

Lần đầu làm, do chưa có kinh nghiệm chị để mực nước cao ngập lúa khiến cá ăn hết lúa. Sang vụ thứ hai, chị rút kinh nghiệm, hàng ngày theo dõi và điều chỉnh mực nước phù hợp sao cho vừa không để ngập lúa mà vẫn đủ cho đàn cá sinh trưởng. Môi trường nước trồng lúa sạch, cây lúa ít dịch bệnh, thông thoáng, không bị rầy nâu hay khô vằn. Cấy giống lúa T10 cộng với nuôi cá trắm và cá chép, năm đó chị thu lợi “kép” với năng suất lúa 2 tạ/sào cộng thêm 2 - 3 tấn cá, gấp nhiều lần cấy lúa thường. Thời điểm đó, chị Hằng là người đầu tiên làm mô hình cá - lúa.

Đến năm 2004, chị chuyển sang đào ao thả cá và làm trang trại, thí điểm xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của huyện. Chị chọn nuôi cá giống bởi vừa ít rủi ro vừa thu lợi nhanh. “Lấy ngắn nuôi dài”, nuôi cá rô giống được 2, 3 năm có lãi, chị tiếp tục nuôi thêm cá vược giống. Thời điểm đó cá vược rất được thị trường ưa chuộng nên nhiều người nuôi. Trang trại của chị Hằng được truyền tai nhau đến mua cá giống rất đông. Có đầu ra ổn định, chị tiếp tục đầu tư nuôi thêm các loại cá trắm, cá chim trắng, lợn siêu nạc hướng ngoại và nuôi vịt.

Nhận thấy việc nuôi lợn bấp bênh, đầu ra phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc nên chị quyết định đầu tư nuôi vịt đẻ. 

Chị Hằng chia sẻ: Để bảo đảm chất lượng con nuôi, tôi lấy giống vịt Đại Xuyên, lựa loại có cổ cao, đầu nhỏ, thon bầu, lông trắng mượt. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền trứng xuất bán gia đình thu lãi hơn 30 triệu đồng. Chăn nuôi nhiều nên lượng cám sử dụng lớn, năm 2012 chị Hằng mở đại lý bán cám tại địa phương, chọn nguồn nhập uy tín, chất lượng vừa tự cung cấp thức ăn cho trang trại vừa phân phối cho các trang trại khác. Thời kỳ cao điểm, đại lý của chị xuất bán hơn 100 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng.

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, đến nay chị Hằng đã có trong tay một đại lý cám uy tín, một trang trại với quy mô 3 ao cá giống, hơn 200 gà thịt, 100 lợn nái cùng 2.000 vịt đẻ, thu nhập mỗi năm không dưới 500 triệu đồng. 

Điều đặc biệt trong cách làm ăn của chị Hằng là đã làm là làm lớn. Chị luôn là người đi đầu mỗi lần có đợt “thí điểm” nuôi trồng. Bởi theo chị, người làm đầu tiên bao giờ cũng là người có lợi: bên cạnh việc được nhà nước hỗ trợ một phần còn được tạo điều kiện học hỏi, tiếp cận những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. 

Nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, chị Hằng được nhiều chị em tin tưởng bầu vào ban chủ nhiệm câu lạc bộ VAC phụ nữ Thụy Ninh. Từ những kiến thức, kinh nghiệm tích cóp được trong nhiều năm, chị truyền đạt, chia sẻ lại cho mọi người. Ngoài ra, chị còn giúp vốn và thức ăn chăn nuôi trả chậm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Thông qua các buổi tập huấn do chị đứng lớp, chị em có thêm kiến thức nuôi trồng, cập nhật được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. 

Cũng chính vì nhanh nhẹn trong suy nghĩ, tháo vát trong hành động mà chị Hằng được nhiều người gọi với cái tên trìu mến: “Người đàn bà thức thời trong chăn nuôi”.

Dung Thùy


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày