Không để bệnh lao trở thành gánh nặng
Phát hiện, điều trị sớm để tránh lây lan
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Bệnh lao là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh nhân lao để quản lý, đưa vào điều trị dứt điểm rất quan trọng. Để thực hiện được điều đó, những năm qua, mạng lưới phòng, chống lao trong toàn tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả, nền nếp ở tất cả các tuyến. Kết quả, năm 2016, toàn tỉnh đã phát hiện mới 1.504 người mắc lao mới trong đó có 754 bệnh nhân lao dương tính (AFB+), 24 bệnh nhân lao kháng thuốc. Đến nay tỷ lệ bệnh nhân AFB+ là 42//100.000 dân, giảm 2,3 bệnh nhân so với năm 2015.
Bác sĩ Phan Quốc Phong, Trưởng trạm Y tế xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình cho biết: Thực hiện công tác phòng, chống lao, Trạm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền phòng, chống lao dưới nhiều hình thức như viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, kết hợp tuyên truyền tại các hội nghị, cuộc họp. Đặc biệt, trong khám chữa bệnh hàng ngày, cán bộ Trạm Y tế xã đã chú trọng kết hợp tuyên truyền, khám, phát hiện những người nghi ngờ nhiễm lao để gửi lên tuyến trên khám sàng lọc, giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với tuyến dưới trong quản lý, điều trị bệnh nhân lao, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình đã tăng cường tổ chức tập huấn cho bác sĩ và cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã mỗi năm từ 2 - 3 lần nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng, chống lao tại cộng đồng. Mỗi quý một lần Bệnh viện trực tiếp lượng giá hỗ trợ, bàn giao kỹ thuật chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện.
Đồng thời, Bệnh viện thường xuyên phối hợp với các cấp hội nông dân, phụ nữ, các đoàn thể tổ chức truyền thông về bệnh lao tại trạm y tế cho người dân. Tất cả bệnh nhân lao đang điều trị tại cộng đồng đều được hướng dẫn uống thuốc đều đặn, tránh trường hợp bệnh nhân bỏ thuốc hoặc điều trị giữa chừng. Người bệnh còn được cung cấp những thông tin cần thiết trong quá trình điều trị như chế độ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh đúng cách để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Hiện tại, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình thường xuyên có từ 160 - 200 bệnh nhân điều trị nội trú; mỗi ngày tiếp nhận từ 20 - 30 lượt bệnh nhân đến khám. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đồng thời quản lý tại cộng đồng hơn 800 bệnh nhân lao.
Năm 2016, số bệnh nhân hoàn thành điều trị chiếm tỷ lệ 97,9%; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao phổi AGB+ mới đạt 93,6%, khỏi bệnh lao phổi tái phát đạt 80%, tỷ lệ lao tái phát chiếm 5,5%, giảm 0,2% so với năm 2015. Để nâng cao hiệu quả việc phát hiện sớm, điều trị dứt điểm bệnh lao, Bệnh viện đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đưa vào sử dụng hệ thống máy móc tiên tiến như máy nội soi phế quản ống mềm, nội soi màng phổi.
Kỹ thuật viên Phạm Thị Xoan, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình) cho biết: Để nâng cao chất lượng chẩn đoán, Bệnh viện đã chủ động trang bị hệ thống máy xét nghiệm Gene Xpert và máy nuôi cấy lỏng Mgit Bactec, máy li tâm hiện đại. Riêng máy xét nghiệm Gene Xpert giúp chẩn đoán lao nhanh, chính xác, cho kết quả trong vòng 2 giờ, đồng thời có thể xác định bệnh nhân có kháng thuốc hay không. Hệ thống nuôi cấy lỏng giúp thời gian trả kết quả giảm từ 2 tháng xuống chỉ còn chậm nhất là 2 tuần. Ngoài ra, Bệnh viện còn đầu tư kính hiển vi huỳnh quang đèn LED, độ nhạy cao hơn 20% so với kỹ thuật cũ, rất tốt trong chẩn đoán chính xác tình trạng người bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.
Hiện tại, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình được đánh giá là đơn vị có nhiều tiềm năng trong hệ thống điều trị lao tuyến tỉnh trên cả nước.
Bác sĩ Vũ Văn Trâm, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để đáp ứng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn tại các bệnh viện tuyến trung ương. Năm 2016 Bệnh viện tiếp tục gửi nhiều bác sĩ và kỹ thuật viên đi tập huấn về nội soi màng phổi, phục hồi chức năng hô hấp, xử trí cấp cứu, máy thở, đào tạo về city, chẩn đoán hình ảnh. Trước đây, nhiều bệnh nhân nặng như tràn dịch màng phổi, lao phổi cấp tính... phải chuyển lên tuyến trên thì nay đã được điều trị ngay tại Thái Bình, giúp giảm bớt chi phí và thời gian.
Cùng với việc phát hiện, điều trị bệnh nhân lao tại bệnh viện, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình còn tích cực chỉ đạo thực hiện chương trình phòng, chống lao tại cộng đồng.
Chị V.T.C. (xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) - một trong những bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại cộng đồng cho biết, mỗi ngày chị đều đặn đến trạm y tế xã lấy thuốc uống đúng giờ, đúng hẹn. Mỗi tháng chị đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình xét nghiệm lại một lần để theo dõi tiến triển của bệnh. Toàn bộ thuốc và chi phí xét nghiệm chị được miễn phí hoàn toàn theo chương trình phòng, chống lao quốc gia. Chị C. chia sẻ, sau 16 tháng được phát hiện, điều trị bệnh chị đã cảm thấy khỏe hơn nhiều, ăn ngủ được, sức khỏe ổn định. Theo bác sĩ tư vấn thì chị chỉ cần điều trị khoảng 4 tháng nữa là có thể dừng thuốc.
Với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh lao hiện không còn là một trong “tứ chứng nan y” như quan niệm trước đây. Đặc biệt, ở tỉnh ta, nhiều bệnh nhân lao đã được điều trị khỏi, sự gia tăng của bệnh lao đã được khống chế. Song theo bác sĩ Vũ Văn Trâm, bệnh lao vẫn thực sự đang là “vấn đề nóng” do nhiều nguyên nhân khi công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp y tế công tư trong phòng, chống lao chưa hiệu quả. Nhân lực phòng, chống lao còn thiếu, không chỉ ở tuyến tỉnh mà cả tuyến huyện. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của người dân về bệnh lao vẫn còn nặng nề, vì vậy nhiều người có bệnh nhưng vẫn giấu bệnh, trốn điều trị hoặc điều trị không đúng chỉ định của bác sĩ khiến cho hiệu quả điều trị không cao, gây lao kháng thuốc và dễ lây lan bệnh ra cộng đồng.
Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, không nên coi công tác phòng, chống lao là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế mà các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng, chống lao cho người dân để mỗi người luôn ý thức và chủ động phòng, chống bệnh lao, không xa lánh, kỳ thị người mắc bệnh.
Hà Dung
Tin cùng chuyên mục
- Lần đầu tiên tổ chức giải cờ tướng Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa 23.11.2024 | 21:05 PM
- Khai trương đại lý Skoda Thái Bình 23.11.2024 | 21:07 PM
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng